Ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Chiên (Bagarius rutilus) và cá Trắm đen (Mylopharyngodon piceus) trong lồng trên hồ chứa tại Thái Nguyên
Cập nhật vào: Thứ ba - 03/01/2023 00:23
Cỡ chữ
Trong những năm gần đây, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Thái Nguyên đã có những bước tiến mạnh mẽ. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng đặc biệt trong chăn nuôi thủy sản, góp phần quan trọng giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân. Để có chiến lược phát triển lâu dài, cần thiết phải có kế hoạch dài hạn, hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi công nghiệp các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao điển hình như: Cá Chiên và cá Trắm đen trong lồng trên hồ chứa nhằm tạo ra bước đột phá trong sản xuất thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, tạo sinh kế cho người dân ven các hồ chứa. Kết quả xây dựng mô hình sẽ thúc đẩy hình thức nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao trong lồng trên hồ chứa và các sông suối lớn thành mô hình nuôi phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh trong những năm tới. Từ đó góp phần nâng cao sản lượng cá nuôi, cung cấp nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao cho tiêu dùng nội địa và hướng đến xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người nuôi.
Cá Chiên và cá Trắm đen là 2 loài cá này có phân bố tại Thái Nguyên, giá trị kinh tế cao, thích hợp cho nuôi trong lồng trên hồ chứa, các loài cá có giá trị dinh dưỡng rất cao, thịt thơm ngon đã được sử dụng như một thực phẩm có giá trị thương mại lớn. Mặc dù có giá trị kinh tế cao song thực tế người dân còn gặp khó khăn về tài chính, thiếu khoa học công nghệ cũng như kinh nghiệm và cách tiếp cận đối với các đối tượng nuôi mới như cá Chiên và cá Trắm đen trong lồng. Để hoàn thiện các quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm các loài cá có giá trị kinh tế trên. Mục tiêu của dự án không ngoài định hướng quy hoạch phát triển thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó cần có các mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho người dân, doanh nghiệp giúp người dân sử dụng hiệu quả tiềm năng mặt nước hồ sẵn có, tạo sinh kế cho người nuôi trồng thủy sản ven hồ chứa tại Thái Nguyên.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Đơn vị chủ trì Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Thảo Vân cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Trần Việt Cường thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Chiên (Bagarius rutilus) và cá Trắm đen (Mylopharyngodon piceus) trong lồng trên hồ chứa tại Thái Nguyên” với mục tiêu: Tiếp nhận sự hỗ trợ 04 quy trình công nghệ (Quy trình công nghệ sản xuất giống cá Chiên; Quy trình công nghệ sản xuất giống cá Trắm đen; Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm cá Chiên trong lồng khung sắt và Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm cá Trắm đen trong lồng khung sắt); Xây dựng thành công 01 mô hình sản xuất giống cá Chiên (Số lượng cá Chiên 10.000 con cỡ từ 80-100 gam/con); Xây dựng thành công 01 mô hình sản xuất giống cá Trắm đen (Số lượng cá Trắm đen 30.000 con cỡ từ 200 - 300 gam/con); Xây dựng thành công 02 mô hình nuôi thương phẩm cá Chiên và cá Trắm đen trong lồng đạt sản lượng 45 tấn/2 năm; Trong đó: 10 tấn cá Chiên kích cỡ 2,5kg/con; 35 tấn cá Trắm đen kích cỡ 3,5kg/con; Đào tạo 10 kỹ thuật viên và tập huấn cho 100 nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Chiên và cá Trắm đen trong lồng trên hồ chứa.
Kết quả theo dõi quá trình sinh trưởng của cá Chiên ở các điểm nuôi cho thấy sinh trưởng của cá Chiên ở các điểm nuôi có sự khác nhau do nhiều yếu tố như: Kỹ thuật chăm sóc cá, điều kiện môi trường nuôi cũng như kinh nghiệm nuôi của các chủ mô hình; Tăng trọng trung bình của cá Chiên đạt từ 3,08 - 3,36g/con/ngày. Cá lớn nhanh ở điểm nuôi Hồ Vai Miếu (3,36 g/con/ngày) và lớn chậm hơn ở điểm nuôi Hồ Núi Cốc (3,08 g/con/ngày). Cụ thể với thời gian nuôi 24 tháng: Cá Chiên nuôi tại hồ Núi Cốc có khối lượng trung bình đạt 2,35 kg/con, cá Chiên nuôi tại hồ Vai Miếu có khối lượng trung bình đạt 2,50 kg/con.
Kết quả theo dõi quá trình sinh trưởng của cá Trắm đen ở các điểm nuôi cho thấy tăng trưởng của cá Trắm đen đạt từ 4,22 - 4,77 g/con/ngày. Cá lớn nhanh ở điểm nuôi hồ Núi Cốc (4,77 g/con/ngày) và lớn chậm hơn ở điểm nuôi hồ Vai Miếu (4,22 g/con/ngày), cụ thể với thời gian nuôi 24 tháng cá Trắm đen nuôi tại hồ Núi Cốc có khối lượng trung bình đạt 3,78kg/con, cá Trắm đen nuôi tại hồ Vai Miếu có khối lượng trung bình đạt 3,38kg/con.
Dự án đã tiếp nhận chuyển giao thành công và làm chủ được 04 quy trình công nghệ tiên tiến, hoàn thành 100% các nội dung so với hợp đồng đã ký; Quy trình công nghệ sản xuất giống cá Chiên; Quy trình công nghệ sản xuất giống cá Trắm đen; Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm cá Chiên bằng lồng khung sắt trong hồ chứa; Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm cá Trắm đen bằng lồng khung sắt trong hồ chứa.
Dự án đã xây dựng thành công 04 mô hình ứng dụng: Mô hình sản xuất giống cá Trắm đen quy mô: 2.000m2 ao; Mô hình sản xuất giống cá Chiên quy mô 220m2; mô hình nuôi thương phẩm cá Chiên trong lồng quy mô 660m2 và mô hình nuôi thương phẩm cá Trắm đen trong lồng 1.750m2, tại hồ núi cốc xã Tân Thái và hồ Vai Miếu xã Kỳ Phú huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đạt 100% so với hợp đồng.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18013/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)