Thử nghiệm nhân trồng, phát triển cây mắc ca tại ba tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Sơn La
Cập nhật vào: Thứ sáu - 12/03/2021 10:26 Cỡ chữ
Cây mắc ca có nguồn gốc từ Ôxtrâylia, đến nay cây mắc ca đã phát triển ở các châu lục như: châu Mỹ, châu Phi, châu Á, châu Đại Dương. Ở các vùng sản xuất, mắc ca đều được đánh giá là cây đa tác dụng: Hạt mắc ca là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; Nhân hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao và an toàn cho sức khỏa con người; Cây mắc ca có giá trị bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan đô thị và cho hiệu quả kinh tế cao.
Mắc ca là cây giá trị cao về kinh tế, có thể lựa chọn làm cây trồng xoá đói giảm nghèo. Mặt khác, mắc ca là loài cây gỗ thường xanh, sống lâu năm, chịu hạn tốt nên cũng có giá trị cao về phòng hộ. Vì vậy, cây mắc ca cần bổ sung vào tập đoàn cây trồng nông, lâm nghiệp ở vùng Tây Bắc.
Từ những đánh giá và phân tích trên, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Cao nguyên được Chương Trình Tây Bắc giao triển khai dự án: “Thử nghiệm nhân trồng, phát triển cây mắc ca tại ba tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Sơn Laˮ. Dự án nghiên cứu do TS. Vũ Hoàng Phương làm chủ nhiệm, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2018.
Một số kết quả nổi bật của dự án nghiên cứu:
Kết quả điều tra thực trạng sản xuất mắc ca tại ba tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Sơn La đã đánh giá được thực trạng sản xuất mắc ca tại ba tỉnh, đồng thời cũng chỉ ra được những thuận lợi và tồn tại trong thời gian qua. Kết quả các nghiên cứu, đã đưa ra được các thông số kỹ thuật mới để hoàn thiện quy trình. Dự án đã hoàn thiện quy trình nhân giống mắc ca; quy trình thâm canh mắc ca; quy trình thu hoạch và sơ chế, bảo quản mắc ca. Việc áp dụng các quy trình thâm canh dự án hoàn thiện vào sản xuất trong các mô hình của dự án đã làm tăng năng suất trên 27,5%. Quy trình thu hoạch và sơ chế, bảo quản rút ngắn được thời gian sấy, đảm bảo chất lượng hạt, giảm tỷ lệ hư hao ngay trong công đoạn thu hoạch. Áp dụng quy trình nhân giống làm tăng tỷ lệ bật mầm sau ghép, tăng tỷ lệ cây xuất vườn từ 11,1- 28,5% so với quy trình cũ.
Các mô hình sản xuất thử nghiệm đảm bảo số lượng và chất lượng theo đăng ký:
- Dự án đã xây dựng được 03 vườn nhân giống tại ba tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu; Tổng số cây mắc ca đã ghép đạt 120.800 cây; Tỷ lệ cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn đạt 77,7-90%. Mô hình vườn nhân giống cho hiệu quả kinh tế khá cao (lãi xuất 523.000.000 đồng/1ha).
- 03 mô hình thâm canh cây mắc ca tại ba tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đảm bảo quy mô 5,0 ha/mô hình. Các mô hình đã cho thu hoạch vụ quả đầu tiên, năng suất cá thể khá cao: Mô hình tại Sơn La, năng suất cá thể trung bình đạt 5,1 kg/cây - tăng 27,5% so với các vườn mắc ca cùng độ tuổi tại địa phương. Mô hình tại Điện Biên, năng suất cá thể trung bình đạt 5,67 kg/cây - Tăng gấp 2 lần so với các vườn mắc ca cùng độ tuổi tại địa phương. Mô hình trồng xen chè tại Lai Châu, năng suất cá thể trung bình đạt 5,89 kg/cây - Tăng gấp 47% so với các vườn mắc ca cùng độ tuổi tại địa phương. Tính đến thời điểm báo cáo, mô hình thâm canh chưa cho hiệu quả kinh tế, vì mới có 50-70% số cây ra quả vụ đầu tiên. Ước tính đến vụ quả thứ 3, các mô hình thu hồi được vốn và có lãi khoảng 62 triệu đồng đến 205 triệu đồng/mô hình; Mô hình trồng xen chè cũng cho thu hồi được vốn và có lãi khoảng 40 triệu đồng/mô hình.
- Mô hình sơ chế, bảo quản: Đã xây dựng được nhà xưởng và mua sắm đầy đủ các trang thiết bị phục vụ sơ chế, bảo quản mắc ca tại ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Tổng khối lượng quả mắc ca đã đưa vào sơ chế là 30 tấn quả.
Kết quả của dự án đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, đáp ứng được các mục tiêu đề ra, cụ thể là phát triển cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đa tác dụng, khai thác lợi thế của vùng, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Dự án nghiên cứu cũng góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho vùng Tây Bắc.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16207/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)
nguồn gốc, phát triển, sản xuất, đánh giá, tác dụng, nguyên liệu, công nghiệp, chế biến, giá trị, dinh dưỡng, an toàn, bảo vệ, môi trường, đô thị, hiệu quả, kinh tế