Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý và chính sách phát triển bền vững chuỗi nông sản thực phẩm an toàn
Cập nhật vào: Thứ ba - 01/11/2022 12:12 Cỡ chữ
Kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề cấp bách ở Việt Nam để đảm bảo sức khoẻ của người tiêu dùng. Việc này đòi hỏi phải có những mô hình quản lý và chính sách quản lý hiệu quả theo chuỗi giá trị Nông sản thực phẩm (NSTP) như Luật An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2010 đã quy định. Hiện nay, một số mô hình và chính sách quản lý ATTP đã có những tác động tích cực trong việc quản lý và đảm bảo ATTP nhưng hiệu quả và hiệu lực của các mô hình quản lý và thể chế chính sách chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, đặc biệt là năng lực yếu của hệ thống thanh tra ATTP của nhà nước. Trong các giải pháp quản lý ATTP hiện nay, mô hình quản lý ATTP theo chuỗi giá trị NSTP được đánh giá là có hiệu quả, đảm bảo ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng.
Xuất phát từ lý do trên, PGS.TS. Đào Thế Anh cùng các cộng sự tại Viện cây lương thực và cây thực phẩm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý và chính sách phát triển bền vững chuỗi nông sản thực phẩm an toàn” từ năm 2017 đến năm 2019.
Mục tiêu chung của đề tài là đề xuất được các mô hình quản lý chuỗi NSTP an toàn ở Việt Nam và một số giải pháp thể chế, chính sách phát triển bền vững.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều chính sách kiểm soát ATTP của trung ương và địa phương đã được ban hành và đã có tác dụng nhất định góp phần kiểm soát ATTP tại các địa phương. Tuy nhiên, còn thiếu các chính sách và mô hình quản lý ATTP theo chuỗi giá trị từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm đến tiêu dùng. Nói cách khác, việc quản lý ATTP từ trang trại đến bàn ăn còn có những hạn chế nhất định dẫn đến chưa phát triển được các mô hình quản lý chuỗi NSTP an toàn bền vững. Ngoài ra, việc kiểm soát ATTP ở các khâu trong chuỗi NSTP chưa thống nhất, chưa có nhiều mô hình quản lý chuỗi NSTP có các tác nhân giữ vai trò điều phối, đảm bảo ATTP trong toàn chuỗi. Nhiều chuỗi NSTP chưa xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc đầy đủ dẫn đến thiếu các chế tài phù hợp để xử lý vấn đề ATTP phát sinh trong quá trình hoạt động của các chuỗi NSTP. Một số văn bản pháp luật quy định việc kiểm soát ATTP còn chồng chéo, chưa đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, các văn bản hướng dẫn thi hành thường ban hành chậm dẫn đến khó khăn trong việc thực thi các quy định pháp luật về kiểm soát ATTP tại các địa phương. Từ kết quả nghiên cứu, báo cáo đã đề xuất một số giải pháp, chính sách và mô hình quản lý chuỗi NSTP an toàn, góp phần phát triển bền vững các chuỗi NSTP cho các ngành hàng rau, quả và chè. Trong đó có các đề xuất quan trọng như:
(1) Đổi mới hệ thống cấp chứng nhận ATTP trong các chuỗi cung ứng, đổi tên các chuỗi cung ứng nông sản an toàn thành chuỗi giá trị NSTP an toàn, làm cơ sở để thể chế hoá chuỗi giá trị NSTP an toàn. Truy xuất nguồn gốc nên trở thành yêu cầu bắt buộc trong mô hình quản lý chuỗi NSTP an toàn.
(2) Đẩy mạnh phân cấp quản lý ATTP trong các mô hình chuỗi NSTP. Trong đó, các cơ quan chuyên trách quản lý ATTP sẽ phải bám sát các khâu của chuỗi để thực hiện chức năng đánh giá rủi ro làm căn cứ ban hành các quy định áp dụng trong toàn chuỗi;
(3) Có lộ trình để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại trong quản lý ATTP như: kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, thuốc thú y, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh NSTP có nguy cơ cao mất ATTP;
(4) Quy định về chứng nhận ATTP đối với các sản phẩm động vật, thực vật và thủy sản từ gốc để dễ dàng truy suất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm;
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17649/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)