Nghiên cứu xây dựng, đề xuất mô hình Logistics kết nối giữa Cảng Hải Phòng với các Trung tâm Logistics khu vực phía Bắc Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ năm - 09/12/2021 20:06 Cỡ chữ
Dịch vụ logistics đã phát triển rất nhanh và đồng bộ tại nhiều nước trên thế giới, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế đất nước, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế đất nước. Tại nhiều quốc gia, các công trình nghiên cứu phát triển dịch vụ logistics đã được tiến hành đồng bộ với công tác quy hoạch phát triển kinh tế mỗi khu vực. Kết quả đó đã tạo nên sự đồng bộ giữa phát triển cảng, các phương thức vận tải và các trung tâm logistics, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia, tiết giảm chi phí logistics.
Tại Việt Nam, ngành logistics đang phát triển với quy mô và tốc độ ngày càng cao, tuy vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam chủ yếu là vệ tinh cho nước ngoài, sức cạnh tranh còn yếu. Nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng đó là:
- Tốc độ phát triển dịch vụ logistics tăng rất nhanh trong khi cơ sở hạ tầng mà cụ thể là hệ thống vận tải đường bộ, đường sắt còn hạn chế, lạc hậu đã trở nên quá tải làm tăng chi phí dịch vụ logistics Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước;
- Sự kết nối đồng bộ giữa thị trường, trung tâm logistics, hệ thống vận tải và cảng biển khu vực kinh tế phía Bắc chưa thực sự đồng bộ nên dẫn tới quá tải ở khâu này nhưng lại dư thừa năng lực ở khâu khác, vừa gây lãng phí nguồn lực của đất nước trong khi chất lượng dịch vụ logistics không được cải thiện;
- Hệ thống vận tải thuỷ nội địa, mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng việc sử dụng và phối hợp với các phương thức vận tải khác còn nhiều hạn chế, chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng cả về cơ chế chính sách lẫn thủ tục hành chính cũng như là các hoạt động thực tiễn hiện nay.
Vì các lý do trên nên việc Nghiên cứu xây dựng, đề xuất mô hình Logisitcs kết nối giữa Cảng Hải Phòng với các Trung tâm Logistics khu vực phía Bắc Việt Nam thực sự có tính cấp thiết và có tính khả thi cao. Nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu xây dựng, đề xuất mô hình Logistics kết nối giữa Cảng Hải Phòng với các Trung tâm Logistics khu vực phía Bắc Việt Nam” do Cơ quan chủ trì Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS. TS. Dương Văn Bạo thực hiện với mục tiêu: Hệ thống hóa các cơ sở lý luận về logistics và kết nối giữa các trung tâm logistics với cảng biển bằng các hệ thống vận tải và vận tải thuỷ nội địa; Đánh giá thực trạng kết nối giữa các hệ thống vận tải đường bộ, đường sắt và thuỷ nội địa với cảng Hải Phòng với các Trung tâm logistics khu vực kinh tế phía Bắc Việt Nam; Nghiên cứu xây dựng và đề xuất mô hình logistics kết nối giữa cảng Hải Phòng với các trung tâm logistics khu vực kinh tế phía Bắc Việt Nam bằng phương thức vận tải đa phương thức, lấy phương thức vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ nội địa là nòng cốt; Đề xuất giải pháp nhằm đưa mô hình áp dụng vào thực tiễn Việt Nam.
Các trung tâm hậu cần ảnh hưởng đến các mô hình phân phối trong mạng lưới giao thông vì chúng là các cấu trúc tập trung lưu lượng. Thật vậy, việc di chuyển hàng hóa hiệu quả trong suốt chuỗi cung ứng phụ thuộc vào thiết kế của các mạng như vậy. Bài báo này trình bày một bài đánh giá tài liệu về vấn đề vị trí trung tâm hậu cần, cung cấp một phác thảo về phương pháp tiếp cận mô hình hóa, kỹ thuật giải quyết và khả năng ứng dụng của chúng vào bối cảnh như vậy. Hai loại mô hình đã được xác định. Mặc dù các mô hình đa tiêu chí có thể phù hợp nhất để tìm vị trí tối ưu, chúng không cho phép đánh giá tác động của các trung tâm mới đối với luồng hàng hóa và trên mạng lưới giao thông. Mặt khác, các mô hình tiêu chí đơn, cung cấp thông tin phân bổ vị trí và lưu lượng, áp dụng các đơn giản hóa mạng cản trở sự biểu diễn chính xác mối quan hệ giữa các nguồn gốc, đích đến, và trung tâm. Theo quan điểm của những hạn chế này, tác giả đề xuất các hướng nghiên cứu trong tương lai để giải quyết các thách thức thực sự về vị trí trung tâm logistics liên quan đến thiết kế mạng lưới giao thông.
Một số công trình nghiên cứu của các tác giả ngoài nước khác có liên quan đến kết nối trong logitsics hoặc mô hình trung tâm logistics nhưng với các nghiên cứu có nhiều điểm không phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam cụ thể ở đây là việc thúc đẩy hành lang kinh tế khu vực phía Bắc.
Cảng biển là các đầu mối quan trọng trong chuỗi logistics và do vậy có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả của cả quy trình logistics, từ đó thuật ngữ “logistics cảng” được đưa vào nghiên cứu. Mục tiêu của logistics cảng là tập trung xây dựng các khu dịch vụ cảng nhằm tối ưu hóa quy trình logistics thông qua việc nâng cao tính tương thích của cảng trong chuỗi logistics. Bài báo này định nghĩa thuật ngữ “logistics cảng” và giới thiệu mô hình logistics cảng thông qua việc đề cập đến các hệ thống dịch vụ của cảng biển để xem xét tác động của các hệ thống dịch vụ này đến quy trình logistics cảng. Cuối cùng bài báo đánh giá mức độ ứng dụng logistics cảng tại các cảng biển của Việt Nam nói chung và lấy ví dụ cụ thể về một công ty khai thác cảng container hàng đầu của Việt Nam - Công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Đề tài nghiên cứu đề xuất về vị trí, quy mô các trung tâm logistics và các giải pháp phát triển các trung tâm logistics khu vực kinh tế phía Bắc phục vụ cho hoạt động cảng biển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển. Vấn đề kết nối giữa trung tâm logistics với cảng biển Hải Phòng chưa được nhóm nghiên cứu đề cập một cách thoả đáng.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Hệ thống hóa các cơ sở lý luận về logistics và kết nối giữa các trung tâm logistics với cảng biển bằng các hệ thống vận tải và vận tải thuỷ nội địa;
- Đánh giá thực trạng kết nối giữa các hệ thống vận tải đường bộ, đường sắt và thuỷ nội địa với cảng Hải Phòng với các Trung tâm logistics khu vực kinh tế phía Bắc Việt Nam;
- Nghiên cứu xây dựng và đề xuất mô hình logistics kết nối giữa cảng Hải Phòng với các trung tâm logistics khu vực kinh tế phía Bắc Việt Nam bằng phương thức vận tải đa phương thức, lấy phương thức vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ nội địa là nòng cốt
- Đề xuất giải pháp nhằm đưa mô hình áp dụng vào thực tiễn Việt Nam.
Trong đó với việc đề xuất ra mô hình kết nối nhóm nghiên cứu đã đưa ra quan điểm tiếp cập cũng điều kiện để đạt được mô hình đề ra. Trên cơ sở thực trạng hiện có cũng như mô hình đã đề xuất tác giả đã cùng nhóm nghiên cứu đưa ra 05 nhóm giải pháp để triển khai hiệu quả mô hình kết nối giữa cảng Hải Phòng với các Trung tâm Logistics khu vực phía Bắc Việt Nam.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16963/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)