Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, quy chế và xây dựng quy trình về quản lý, tổ chức thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện áp dụng Cơ chế 1791
Cập nhật vào: Thứ sáu - 31/03/2023 00:01 Cỡ chữ
Bên cạnh các nước công nghiệp pháp triển như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Nga... các hạng mục sản phẩm của các nhà máy nhiệt điện chạy than đã trở thành mặt hàng phổ thông của các hãng sản xuất công nghiệp nặng với thị trường vươn ra toàn cầu thì ở các nước công nghiệp mới nổi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ... việc làm chủ công nghệ thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than đều được coi là vô cùng quan trọng. Các nước này đã có ngành công nghiệp chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện chạy than khá phát triển, đem lại sự phát triển cho ngành công nghiệp cơ khí cũng như ngành công nghiệp nhiệt điện, đem lại sự độc lập, tự chủ cho đất nước.
Trong từng lĩnh vực gắn với những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định, các nước này cũng có những bước đi đột phá, đặc biệt đã thành công trong việc phát triển ngành cơ khí chế tạo, đã tạo được các quan hệ phân công, hợp tác sản xuất khá bền vững, tạo dựng được thương hiệu và vị trí nhất định trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên do các điều kiện kinh tế xã hội và xuất phát điểm các nước khác nhau, tại các giai đoạn khác nhau nên chính sách của từng nước cũng có những điểm khác nhau. Ví dụ như Trung Quốc có chính sách hỗ trợ phát triển mạnh mẽ cho các viện nghiên cứu, các công ty công nghiệp nặng thành các nhà thầu có thể cung cấp từ A đến Z toàn bộ nhà máy nhiệt điện với các dải công suất khác nhau, với mức chất lượng khác nhau nhằm không chỉ đáp ứng được cho thị trường rộng lớn trong nước mà còn vươn ra các nước chậm phát triển trong khu vực. Ở Hàn Quốc, chính phủ đã hỗ trợ hình thành các tập đoàn công 7/38 nghiệp lớn như Doosan, STX, KC Cottrel... tập trung vào sản xuất hầu hết các hạng mục của nhà máy nhiệt điện với chất lượng tương đối cao như tua bin, máy phát, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống vận chuyển than...
Ngày 29/11/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025” với mục tiêu chung “tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước” với mục tiêu cụ thể: Thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước 11 hệ thống thiết bị phụ của 03 dự án nhà máy nhiệt điện với mục tiêu bảo đảm tỷ lệ giá trị công tác tư vấn thiết kế chế tạo và dịch vụ kỹ thuật do các đơn vị tư vấn trong nước thực hiện đạt không dưới 40% cho dự án thứ nhất, không dưới 60% cho dự án thứ hai và không dưới 80% từ dự án thứ ba trở đi; bảo đảm tỷ lệ giá trị thiết bị chế tạo do các doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện không dưới 50% cho dự án thứ nhất và thứ hai, không dưới 70% từ dự án thứ 3 trở đi.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Viện nghiên cứu Cơ khí cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Lê Xuân Quý thực hiện “Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, quy chế và xây dựng quy trình về quản lý, tổ chức thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện áp dụng Cơ chế 1791” với mục tiêu: Xây dựng được cơ sở dữ liệu về năng lực các doanh nghiệp cơ khí trong nước cho từng hạng mục được nội địa hóa theo hướng chuyên môn hóa; Xây dựng và đề xuất được cơ chế, chính sách để thực hiện các nội dung theo Quyết định 1791; Xây dựng bộ quy trình về quản lý dự án thực hiện thiết kế, chế tạo các thiết bị nhiệt điện theo Quyết định 1791.
Ngoài ra, hiện có nhiều cách thức tổ chức sản xuất và mô hình phân công hợp tác tổ chức sản xuất thiết kế chế tạo các dây chuyền thiết bị đồng bộ, thiết bị công suất lớn, thiết bị tự động hóa... theo hướng chuyên môn hóa sâu giữa các doanh nghiệp cơ khí ở những nước đang phát triển mà đề tài cần tiếp cận nghiên cứu và học tập kinh nghiệm.
Về vấn đề tổ chức quản lý xây dựng nhà máy, các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện hầu hết do các tổng thầu EPC tổ chức thực hiện. Trên thế giới có các tổng thầu EPC về xây dựng nhà máy nhệt điện nổi tiếng có tham gia vào thị trường Việt Nam như Hitachi (Nhật Bản), Marubeni (Nhật Bản), Doosan (Hàn Quốc), Alstom (Pháp), Power Machine (Nga) và một số nhà thầu Trung Quốc như Dongfang, Harbin, Shanghai... Công tác quản lý dự án của tổng thẩu EPC được thực hiện theo bộ quy trình hết sức chặt chẽ và khoa học từ khâu quản lý công tác thiết kế, chế tạo sản phẩm, mua bán thiết bị đến lắp đặt, chạy thử và bảo hành nhà máy.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Trên cơ sở tổng kết bài học kinh nghiệm từ thực hiện các đề tài độc lập, các dự án KHCN về xi măng lò quay, thủy công, giàn khoan tự nâng để xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế phối hợp, gắn kết một cách hiệu quả kết quả của dự án khoa học công nghệ và dự án đầu tư;
- Vận dụng linh hoạt các kinh nghiệm thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc để xây dựng được mô hình tổ chức sản xuất từ khâu quản lý dự án đến chế tạo và lắp đặt hoàn chỉnh các dây chuyền thiết bị đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện;
- Xây dựng được cơ sở dữ liệu về năng lực các doanh nghiệp cơ khí trong nước cho 11 hạng mục nội địa hóa theo hướng chuyên môn hóa;
- Xây dựng và đề xuất được cơ chế chính sách để thực hiện chương trình phát triển các nhà máy nhiệt điện thuộc các nội dung của Quyết định 1791 theo từng giai đoạn của lộ trình nội địa hoá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện thành công các dự án được tham gia, từng bước làm chủ việc thực hiện xây dựng các hạng mục thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện.
- Xây dựng được bộ quy chế tổ chức phối hợp thực hiện các hạng mục thiết kế, chế tạo trong nước, đề xuất tổ chức thực hiện, phối hợp một cách khoa học sự tham gia của các đơn vị.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18186/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)