Nghiên cứu ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp với vật liệu lọc đa năng để xử lý nước suối vùng biên giới Tây Bắc để cấp nước cho sinh hoạt
Cập nhật vào: Thứ tư - 07/07/2021 05:32
Cỡ chữ
Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày của con người cũng như trong các hoạt động kinh tế của xã hội. Hiện nay, ở nước ta ngoài việc nghiên cứu sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước, việc nghiên cứu nâng cao chất lượng nước cấp sinh hoạt cần phải được chú trọng, đặc biệt là việc nước cấp sinh hoạt cho đồng bào và chiến sĩ vùng núi cao biên giới tổ quốc.
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở phía bắc của tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Đây là một trong những nơi có lượng mưa lớn nhất trong cả nước, tuy nhiên, do địa hình chia cắt, núi đá tai mèo nên lượng nước sinh thủy thấp. Do đó, đây cũng là nơi có tới 4 huyện vùng cao núi đá là Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ thường xuyên thiếu nước về mùa khô. Vì thế, từ năm 2016 đến năm 2018, nhóm nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường do ThS. Đặng Xuân Thường dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp với vật liệu lọc đa năng để xử lý nước suối vùng biên giới Tây Bắc cấp nước cho sinh hoạt”. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là xác định được công nghệ xử lý nước suối ứng dụng màng lọc và vật liệu lọc đa năng phù hợp phục vụ cấp nước sinh hoạt.
Đề tài đã xây dựng được mô hình xử lý nước suối Tà Vải bằng công nghệ màng lọc kết hợp vật liệu lọc đa năng để xử lý nước phục vụ mục đích sinh hoạt tại tỉnh Hà Giang. Sau khi được xử lý, nước sẽ đạt QCVN 02:2009/BYT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt. Chi phí xử lý cho 1m3 nước sạch theo tính toán là 2.249,79 đồng. Mức giá này hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân vùng cao.
Sản phẩm của đề tài là 02 trạm xử lý nước với công suất 50m3/h, đáp ứng được nhu cầu nước sạch tiêu dùng hàng ngày cho người dân.
Đây là đề tài cấp thiết mang lại hiệu quả lớn, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng cho vùng Tây Bắc nói chung và lưu vực suối Tà Vải, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang nói riêng. Ngoài ra còn đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp nước sạch cho các đơn vị trong địa bàn tỉnh và có thể nhân rộng mô hình để áp dụng cho toàn khu vực Tây Bắc nhằm thúc đẩy phát triển bộ kinh tế - xã hội của vùng.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16252/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)