Nghiên cứu trồng và chế biến một số cây thuốc Hoàng kỳ, Tục đoạn, Thương truật và Hoàng liên chân gà ở một số tỉnh vùng Tây Bắc
Cập nhật vào: Thứ hai - 28/03/2022 01:47 Cỡ chữ
Việt Nam là một quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên cây thuốc và tri thức sử dụng cây thuốc vô cùng phong phú, đa dạng. Nhu cầu sử dụng dược liệu phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng tương đối cao. Theo theo báo cáo của Cục quản lý dược - Bộ Y tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50 - 60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn các loại dược liệu trên thị trường đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Việc trồng hái và sử dụng cây thuốc vẫn chưa thực sự phát triển, các loại cây dược liệu đa phần được trồng nhỏ lẻ manh mún, chưa quy hoạch phân vùng cụ thể để phát triển mạnh mẽ, quy trình trồng, chăm sóc, thu hái chủ yếu là kinh nghiệm truyền thống, chưa theo các quy chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế. Vùng Tây Bắc nước ta là một vùng rộng lớn, có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phong phú thích hợp để trồng nhiều loại cây thuốc có chất lượng cao. Hoàng kỳ, Tục đoạn, Thương truật, Hoàng liên chân gà là những dược liệu đóng vai trò hết sức quan trọng trong Y Dược học cổ truyền và Y Dược học hiện đại với nhiều công dụng phòng chữa bệnh. Các dược liệu này được đánh giá là có những điều kiện sinh trưởng và phát triển phù hợp tại một số tỉnh thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, là những cây bản địa của vùng Tây Bắc, riêng cây Hoàng liên chân gà còn là đối tượng đặc hữu chỉ có ở dãy núi Hoàng Liên Sơn. Tuy nhiên, chúng đã bị khai thác cạn kiệt và đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện nay nguồn cung cấp các dược liệu này phục vụ cho công tác phòng chữa bệnh phần lớn là khai thác tự nhiên, nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc những nơi không rõ nguồn gốc, chất lượng dược liệu không đạt tiêu chuẩn thậm chí gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.
Hiện nay, theo thống kê của ngành y tế, số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích… ở nước ta hiện lên đến gần 10% dân số, mà nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học. Bên cạnh đó, sự suy giảm hệ miễn dịch cũng đang trở thành mối quan tâm của y tế toàn cầu bởi nó đe dọa sức khỏe, tính mạng con người với hàng loạt bệnh lý nguy hiểm như ung thư, HIV/AIDS, xơ cứng bì, lupus ban đỏ, các bệnh lý do vi sinh vật gây ra (viêm nhiễm, cúm…).
Từ tình hình thực tế trên và dựa vào kết quả nghiên cứu trong nước và trên thế giới về tác dụng dược lý của các loại dược liệu Hoàng kỳ, Tục đoạn, Thương truật, Hoàng liên chân gà có tác dụng tốt trong việc tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ điều trị bệnh tiêu hóa, nhóm nghiên cứu của Trung Tâm Nghiên Cứu Trồng Và Chế Biến Cây Thuốc Hà Nội, Viện Dược Liệu do ThS. Trần Danh Việt làm chủ nhiệm đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu trồng và chế biến một số cây thuốc Hoàng kỳ (Astragalus sp.), Tục đoạn (Dipsacus asper Wall.), Thương truật (Atractylodes lancea (Thunb.) DC.) và Hoàng liên chân gà (Coptis quinquesecta W.T.Wang) ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, tạo nguồn dược liệu sản xuất chế phẩm bảo vệ sức khỏe”, nhằm xây dựng được quy trình nhân giống và canh tác các loại cây thuốc Hoàng kỳ, Tục đoạn, Thương truật và Hoàng liên chân gà làm căn cứ phát triển vùng dược liệu tại một số tỉnh Tây Bắc; Xây dựng quy trình bào chế và bào chế 02 thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ các dược liệu nghiên cứu.
Sau một thời gian triển khai, đề tài đưa ra các kết luận như sau:
1. Đã điều tra khảo sát đánh giá tổng quan điều kiện khí hậu địa lý tại 03 vùng Quản Bạ (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La) và lựa chọn vùng Quản Bạ - Hà Giang là thích hợp nhất để trồng mô hình các cây thuốc hoàng kỳ, thương truật, tục đoạn. Cây hoàng liên chân gà là cây đặc hữu của Sa Pa nên phù hợp trồng ở Sa Pa.
2. Đã xây dựng được Quy trình kỹ thuật nhân giống hữu tính cho 3 cây Hoàng kỳ, Tục đoạn, Thương truật và Quy trình nhân giống vô tính cho cây Hoàng liên chân gà.
- Đã xây dựng được Tiêu chuẩn giống cho 4 cây Hoàng kỳ, Tục đoạn, Thương truật và Hoàng liên chân gà bao gồm các chỉ tiêu về cây đầu dòng, các chỉ tiêu về hạt giống, cây giống.
3. Đã xây dựng được Quy trình kỹ thuật trồng cho 4 cây Hoàng kỳ, Tục đoạn, Thương truật và Hoàng liên chân gà.
4. Đã triển khai trồng khảo nghiệm cơ bản đánh giá sinh trưởng, phát triển, năng suất 04 cây Hoàng kỳ, Tục đoạn, Thương truật, Hoàng liên chân gà tại 3 vùng Quản BạHà Giang, Mộc Châu- Sơn La, Sa Pa- Lào Cai. Đã triển khai mô hình trồng cho 3 cây Hoàng kỳ, Tục đoạn, Thương truật mỗi cây 2 ha tại Quản Bạ- Hà Giang và cây Hoàng liên chân gà diện tích 2000m2 tại Bản Khoang - Sa Pa (Lào Cai), đã đánh giá sinh trưởng, phát triển, năng suất các cây đến thời điểm tháng 12/2018.
5. Đã xây dựng được Quy trình kỹ thuật sơ chế, chế biến dược liệu cho 4 cây Hoàng kỳ, Tục đoạn, Thương truật và Hoàng liên chân gà. Phương pháp làm khô dược liệu là sấy khô ở nhiệt độ 60oC cho các dược liệu Hoàng kỳ, Tục đoạn, Hoàng liên chân gà và Thương truật là 55oC đảm bảo thời gian làm khô nhanh và chất lượng tốt. Bảo quản dược liệu Hoàng kỳ, Tục đoạn, Hoàng liên chân gà và Thương truật ở điều kiện kho mát (to: 10-12oC) kết hợp bảo quản hút chân không cho dược liệu có chất lượng ổn định trên 9 tháng.
6. Đã xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho dược liệu Hoàng kỳ, Tục đoạn, Thương truật và Hoàng liên chân gà theo các tiêu chí của Dược điển Việt Nam V. Xây dựng thêm một số chỉ tiêu mới cho 4 cây gồm dư lượng 04 kim loại nặng Hg, Cd, As và Pb bằng AAS; Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: Benzen hexaclorid (BHC). Đối với cây hoàng kỳ xây dựng mới phương pháp định lượng astragalosid IV bằng sắc ký lỏng ghép khối phổ LC/MS/MS.
7. Đã xây dựng được quy trình chiết xuất cao đặc toàn phần dược liệu hoàng kỳ, quy trình chiết cao toàn phần hoàng liên chân gà, phương pháp chiết cao toàn phần thương truật. Đã bào chế được bột cao khô hoàng kỳ, thương truật bằng phương pháp phun sấy. Đã xây dựng được công thức và quy trình bào chế hai chế phẩm viên nang cứng Ascuga và DigestKing. Chế phẩm Ascuga gồm các thành phần: Cao khô hoàng kỳ: 153 mg; Cao khô linh chi: 67 mg; Cao khô rau má: 50 mg; Cao khô ngũ vị tử: 55mg; Curcuminoid: 60mg; Aerosil: 5mg; Magnesi stearat: 5 mg; Natri lauryl sulphat: 5 mg; Natri croscarmellose: 10 mg; Avicel PH101: 75,9 mg. Chế phẩm DigestKing gồm các thành phần: Cao khô hoàng liên chân gà: 30 mg; Cao khô thương truật: 210 mg; Mộc hương: 100 mg; Curcuminoid: 50mg; Aerosil: 5 mg; Magnesi stearat: 5 mg; Natri lauryl sulphat: 5 mg; Natri croscarmellose: 15mg; Avicel PH101: 62,1mg.
8. Đã xây dựng TCCS cho bán thành phẩm (cao đặc dược liệu) 03 cao dược liệu gồm cao đặc thương truật, cao khô hoàng liên và cao đặc hoàng kỳ. Đã xây dựng TCCS cho 2 chế phẩm sản phẩm viên nang cứng giúp tăng cường miễn dịch - Ascuga và hỗ trợ điều trị bệnh tiêu hóa - DigestKing đã bào chế được từ các nguyên liệu của đề tài. Các tiêu chuẩn cơ sở xây dựng đều dựa trên yêu cầu chung của DĐVN V, tiêu chí phù hợp với từng sản phẩm bào chế.
9. Đã sản xuất thử nghiệm được 100.000 viên nang cứng (10.000 vỉ) giúp tăng cường miễn dịch (Ascuga) và 100.000 viên nang cứng (10.000 vỉ) hỗ trợ điều trị bệnh đường tiêu hóa (DigestKing) theo công thức và quy trình tối ưu đã nghiên cứu được từ Nội dung 7 “Xây dựng quy trình bào chế hai chế phẩm giúp tăng cường miễn dịch (Ascuga) và hỗ trợ điều trị bệnh tiêu hóa (DigestKing) từ các dược liệu nghiên cứu”.
10. Đã đánh giá tính hiệu quả và tính an toàn của hai chế phẩm viên nang cứng giúp tăng cường miễn dịch (Ascuga) và hỗ trợ điều trị bệnh tiêu hóa (DigestKing) đã bào chế được.
Nhóm đề tài mong muốn tiếp tục có những đánh giá theo dõi thêm để có kết luận chắc chắn hơn, cần nghiên cứu ứng dụng khoa học hiện đại để nâng cao kỹ thuật sơ chế, chế biến và bảo quản dược liệu, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cần xây dựng quy trình sản xuất tối ưu ở quy mô công nghiệp, sản xuất lớn và cần tiến hành thêm các nghiên cứu trên các mô hình gây loét DD-TT bằng NSAID với thời gian tiến hành dài hơn để làm rõ hiệu quả bảo vệ thực sự của thuốc.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17037/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)