Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống điều khiển, dẫn đường tự động cho thiết bị bay không người lái
Cập nhật vào: Thứ ba - 23/02/2021 22:24 Cỡ chữ
Trong những năm gần đây, đã có những nghiên cứu đáng kể trong việc phát triển máy bay không người lái (UAV - Unmanned Aerial Vehicle). Những hệ thống này đã được ứng dụng rất nhiều trong quân sự và dân sự. Trong trường hợp một nhiệm vụ nhất định có thể thay thế các phương tiện do người điều khiển bằng phương tiện không người lái. Các hệ thống không người lái bao gồm quyền tự trị từ một hệ thống đơn giản được điều khiển từ xa bởi con người đến một hệ thống hoàn toàn tự trị mà không cần sự can thiệp của con người. Mục tiêu là để đưa con người ra khỏi những công việc lặp đi lặp lại, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề khó còn cần giải quyết.
Để có thể thực thi quản lý và điều hành bay tự động cần tiến hành nghiên cứu hoạt động của máy bay cánh bằng, các phương pháp điều khiển ổn định bay, phương pháp thiết kế hệ thống tự động điều khiển điều hành bay cần độ ổn định dọc trục và ngang trục… từ đó xây dựng mô-đun chương trình phần mềm quản lý và điều hành bay tự động. Nhóm nghiên cứu tại Viện Điện tử - Viễn thông đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống điều khiển, dẫn đường tự động cho thiết bị bay không người lái”. Đề tài do PGS.TS. Nguyễn Văn Khang làm chủ nhiệm được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2018.
Đề tài đã hoàn tất các mục tiêu trên và các nội dung nghiên cứu: 1) Làm chủ công nghệ điều khiển, dẫn đường tự động cho thiết bị bay không người lái; 2) Thiết kế, chế tạo sản phẩm hệ thống điều khiển, dẫn đường tự động cho thiết bị bay không người lái.
Đề tài đã đóng góp cho sự phát triển công nghệ điều khiển UAV, đóng góp một kiến trúc mới về công nghệ phát triển các điều khiển UAV. Đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong nước, đề tài này cũng là một cơ hội để phát triển kỹ năng nghiên cứu và triển khai các đề tài mới, công nghệ mới mang tính thời sự cao.
Sản phẩm của đề tài có khả năng ứng dụng cao vào nhiều lĩnh vực như quân sự (Bay giám sát, hỗ trợ lực lượng mặt đất; Theo dõi mục tiêu trên không, truyền hình ảnh video trực tiếp về căn cứ; Tiêu diệt mục tiêu; - Xây dựng bản đồ, trong đó có bản đồ 3D) và phi quân sự (Giao hàng tận nơi; Dự báo thời tiết, thu thập thông tin khí tượng; Quay phim, chụp ảnh từ trên không...)
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16203/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)