Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo động cơ điện tiết kiệm năng lượng sử dụng vật liệu có mật độ từ cảm cao
Cập nhật vào: Thứ hai - 22/06/2020 12:48
Cỡ chữ
Việc sử dụng vật liệu có mật độ từ cảm cao vào thiết kế chế tạo động cơ hiệu suất cao đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, cụ thể như CHLB Đức có hãng WEG, Siemens và ở Nhật có các hãng như Simitomo và ABB của Thụy điểm. Động cơ điện hiệu suất cao có thể kể đến các loại động cơ sử dụng bộ biến đổi hay loại khởi động trực tiếp như động cơ đồng bộ nam châm vĩnh cửu induction motor và động cơ đồng bộ roto lồng sóc nam châm vĩnh cửu-line start permanent magnet synchronous motor. Do vậy, việc thiết kế và công nghệ chế tạo động cơ điện đồng bộ 3 pha roto lồng sóc nam châm vĩnh cửu, cho ra những dãy sản phẩm mới đạt được mức hiệu suất năng lượng IE2 đồng thời giảm thiểu vật tư, giảm giá thành là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay đối với các nhà sản xuất động cơ điện trong nước.
Trước tình hình đó, từ năm 2016 đến 2018, TS. Bùi Minh Định cùng các cộng sự tại Viện Điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo động cơ điện tiết kiệm năng lượng sử dụng vật liệu có mật độ từ cảm cao”.
Mục tiêu của đề tài là làm chủ việc tính toán, thiết kế, công nghệ chế tạo dãy động cơ điện đồng bộ 3 pha roto lồng sóc nam châm vĩnh cửu khởi động trực tiếp, công suất đến 11kW, đạt mức hiệu suất năng lượng IE2 theo tiêu chuẩn IEC60034-30. Chế tạo hoàn chỉnh dãy động cơ điện đồng bộ nam châm vĩnh cửu roto lồng sóc, công suất đến 11kW, đạt mức hiệu suất năng lượng IE2 theo tiêu chuẩn quốc tế IEC60034-30.
Đề tài đã tạo ra các sản phẩm mẫu với hiệu suất đạt mức năng lượng IE2 theo tiêu chuẩn IEC60034-30, sản phẩm đã được đánh giá thử nghiệm các thông số kỹ thuật tại phòng thử nghiệm động cơ của công ty đạt được các thông số như đăng ký. Đồng thời sản phẩm mẫu cũng được gửi đến phòng thử nghiệm động cơ của Trung tâm đo lường kỹ thuật 1 (Quatest 1) - Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng để thực hiện thử nghiệm đánh giá độc lập các thông số kỹ thuật của động cơ. Kết quả sản phẩm đã đạt được các thông số kỹ thuật theo như đăng ký ban đầu.
Các kết quả nghiên cứu bao gồm các báo cáo tình hình áp dụng mức hiệu suất năng lượng và trình độ sản xuất động cơ điện của các nước trên thế giới cũng như của Việt Nam, các báo cáo quy hoạch tổng thể dãy động cơ mới, báo cáo lựa chọn vật liệu, các bản tính toán thiết kế điện từ trên cơ sở ứng dụng các phần mềm thiết kế động cơ chuyên dụng, bộ bản vẽ thiết kế chi tiêt cho các dãy động cơ, bộ bản vẽ thiết kế các loại khuôn mẫu, đồ gá phục vụ việc chế tạo thử nghiệm động cơ, bộ quy trình công nghệ chế tạo, lắp đặt, thử nghiệm và vận hành… sẽ được ứng dụng vào thực tế tại cơ sở để sản xuất ra các dãy động cơ điện hiệu suất cao mức IE2.
Kết quả nghiên cứu sẽ mang lại cho ngành sản xuất động cơ điện trong nước những lợi ích to lớn: Nâng trình độ thiết kế và chế tạo máy điện của các doanh nghiệp trong nước lên một tầm cao mới; Làm tiền đề cho sự phát triển thêm các dãy động cơ điện hiệu suất siêu cao IE3, sánh ngang tầm với ngành sản xuất động cơ điện của các nước trên thế giới
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15653) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)