Nghiên cứu rào cản thương mại của Ấn Độ và đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ
Cập nhật vào: Thứ năm - 12/05/2022 15:06 Cỡ chữ
Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1972, nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và tiếp tục nâng cấp lên mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016.
Về thương mại, Ấn Độ luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực Nam Á. Trong giai đoạn 2012-2019, kim ngạch thương mại song phương luôn đạt mức tăng trưởng dương qua các năm. Tính đến hết năm 2019, kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ đã đạt 11,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Ấn Độ đạt hơn 6,7 tỷ USD (theo thống kê của Hải quan Việt Nam).
Mặc dù một thời gian dài Việt Nam luôn ở vị trí nhập siêu với Ấn Độ, tuy nhiên tốc độ nhập siêu thu hẹp dần. Đến hết năm 2017, nhập khẩu và xuất khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ đã về vị trí tương đối cân bằng khi Việt Nam chỉ còn nhập siêu khoảng 100 triệu từ Ấn Độ, xuất khẩu sang Ấn Độ tăng trưởng mạnh, gần 40%. Đến năm 2018, cán cân thương mại Việt Nam - Ấn Độ đã có sự đảo chiều, Việt Nam xuất siêu 2,3 tỷ USD sang Ấn Độ. Mức xuất siêu này tiếp tục được duy trì trong năm 2019, đạt 2,2 tỷ USD. Ấn Độ được xác định là thị trường xuất khẩu trọng điểm, góp phần hoàn thành nhiệm vụ tăng cường xuất khẩu, hạn chế nhập siêu của Việt Nam đã được Đảng và Chính phủ đề ra.
Bên cạnh đó, Ấn Độ là một trong những nước đông dân (gần 1,37 tỷ người năm 2019) có nhu cầu hàng hóa cao, nhu cầu nhập khẩu lớn (kim ngạch nhập khẩu đạt 507,4 tỷ USD năm 2018-19) và Ấn Độ cũng đang thực hiện mạnh mẽ Chính sách hành động hướng đông, coi ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng là đối tác thương mại quan trọng của nước này. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ấn Độ hiện nay bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; các hàng nông thủy sản như cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản...Do đó, Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng mặt hàng và tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Với dung lượng thị trường của đất nước có dân số lớn thứ 2 trên thế giới, xét tính chất quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cả Việt Nam và Ấn Độ cùng là thành viên của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ, quan hệ thương mại giữa hai nước cần tiếp tục được thúc đẩy để tương xứng với tiềm năng.
Xuất phát từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Lê Hoàng Oanh thực hiện “Nghiên cứu rào cản thương mại của Ấn Độ và đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ” với mục tiêu là nghiên cứu các vấn đề cụ thể như sau: Hệ thống rào cản thương mại Ấn Độ hiện đang áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước nói chung, trong đó có Việt Nam; Đánh giá tác động của các rào cản thương mại, biện pháp phi thuế quan của Ấn Độ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; Đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó với các rào cản thương mại của Ấn Độ và tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.
Việc Ấn Độ tăng cường các biện pháp PVTM và rào cản thương mại cũng là một trong các chiến lược để hỗ trợ cho các chính sách kinh tế mà Ấn Độ đã đề ra, đặc biệt là sáng kiến “Make in India” nhằm đưa Ấn Độ trở thành trung tâm thiết kế và sản xuất toàn cầu.
Trong bối cảnh cán cân thương mại đổi chiều, Việt Nam trở thành nước xuất siêu trong quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ, với mong muốn lấy lại vị thế là nước xuất siêu trước đây, Chính phủ Ấn Độ tích cực nghiên cứu và áp dụng các biện pháp (bao gồm cả phòng vệ thương mại và rào cản thương mại) nhằm bảo hộ, tăng cường sản xuất trong nước và hạn chế hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó nhằm các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam hoặc Việt Nam chiếm thị phần lớn tại thị trường Ấn Độ như tiêu, điều, hàng điện tử và linh kiện, các mặt hàng sắt thép, tôn cuộn...
Trong xâm nhập và duy trì thị phần tại thị trường Ấn Độ, hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức. Những thách thức hàng Việt Nam gặp phải không chỉ do năng lực cạnh tranh còn hạn chế mà còn là khả năng vượt qua rào cản thương mại của Ấn Độ. Rào cản thương mại của Ấn Độ xuất hiện ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và có xu hướng được áp dụng ngày càng tăng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy việc nghiên cứu các rào cản thương mại và giải pháp vượt qua rào cản thương mại của Ấn Độ có ý nghĩa hết sức thiết thực.
Từ nghiên cứu những vấn đề lý luận cũng như thực trạng về các rào cản thương mại của Ấn Độ trong quan hệ thương mại với Việt Nam, có thể rút ra một số kết luận sau:
Trước hết, tăng cường hoạt động của các tổ chức, hiệp hội ngành hàng tham gia việc giải quyết, xử lý các rào cản thương mại, đặc biệt là tham gia các vụ kiện phòng vệ thương mại. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, muốn đẩy mạnh xuất khẩu cần phải cũng cố vai trò của hiệp hội để sẵn sàng và chủ động giải quyết các tranh chấp thương mại có thể phát sinh. Các hiệp hội ngành hàng nên thiết lập cơ quan đại diện ở Ấn Độ, trước hết là tập trung vào các thành phố trọng điểm và tổ chức tốt việc nghiên cứu các điều kiện thâm nhập thị trường nhằm mở rộng thị trường nhập khẩu và nâng cao hiệu quả ngành hàng của mình. Hiệp hội cũng cần phối hợp chặt chẽ giữa đại diện hiệp hội với Tham tán thương mại để đạt được kết quả, xử lý và đánh giá thông tin một cách toàn diện.
Thứ hai, Chính Phủ cần tăng cường vai trò hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam để giúp họ ngăn ngừa và ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại và rào cản thương mại của Ấn Độ. Chính phủ có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về các thông tin liên quan đến các thị trường Ấn Độ, về chính sách thương mại và các rào cản thương mại của Ấn Độ thông qua các hình thức: hội thảo; tập huấn; các tài liệu hướng dẫn cho doanh nghiệp. Đồng thời, có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông tin về các văn phòng luật sư nước ngoài tại Ấn Độ về phòng vệ thương mại, giúp các doanh nghiệp bằng việc tổng hợp các kinh nghiệm và bài học của các vụ kiện phòng vệ thương mại trước đó.
Cuối cùng, điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam phải tự mình nâng cao khả năng cạnh tranh, chủ động áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, đào tạo bồi dưỡng cán bộ và nâng cao trình độ nguồn nhân lực kết hợp với đa dạng 38 hóa các thị trường… để kịp thời ứng phó với những rào cản thương mại và tranh chấp có thể phát sinh trong thương mại với Ấn Độ.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17258/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)