Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả cắt lũ, đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du hồ chứa trong điều kiện mưa lũ lớn cực đoan
Cập nhật vào: Thứ tư - 11/11/2020 01:04
Cỡ chữ
Theo số liệu thu thập của đề tài, đến cuối năm 2016, tổng số lượng hồ chứa đã tích nước là 6886 hồ. Trong đó, hồ chứa thủy lợi là 6648 hồ (chiếm 96,5%). Sau khi xây dựng hồ, toàn bộ vùng hạ du hồ được đầu tư dần dần theo thời gian và ngày càng trở nên trù phú. Sự phát triển nhanh về kinh tế, xã hội, về cơ sở hạ tầng những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 đã làm đổi thay cơ bản cuộc sống người dân vùng hạ du. Do hạ du phát triển nóng về kinh tế, xã hội nên chính các khu dân cư, khu công nghiệp, dịch vụ, đường giao thông v.v... làm cho hành lang thoát lũ, các khu phân lũ, chậm lũ ở hạ du biến đổi thu hẹp về quy mô, công suất, khả năng thoát lũ so với thời điểm khi mới xây dựng xong đập. Những điều đó, trực tiếp hoặc gián tiếp đều uy hiếp đến sự an toàn đập và hạ du. Ngoài ra, hiện tượng biến đổi khí hậu gây nên mưa, lũ lớn; hiện tượng triều cường; nước biển dâng v.v... làm gia tăng thêm mức độ trầm trọng của ngập lụt hạ du.
Dù đã được dự báo trước về một trái đất có diễn biến khí hậu bất thường hơn, cực đoan hơn, nhân loại dường như vẫn ngỡ ngàng trước những tổn thất kinh hoàng hàng năm phải gánh chịu. Ở Việt Nam mưa, lũ lớn trong điều kiện thời tiết cực đoan luôn là những nguy cơ đe dọa sự an toàn của đập và vùng hạ du. Chỉ ví dụ trong vài năm gần đây như trong những ngày từ 15÷17/12/2016, khi xảy ra mưa, lũ lớn trong điều kiện thời tiết cực đoan cuối mùa, nước dâng cao gây ngập lụt tại nhiều địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa. Có những nơi nước ngập sâu đến 3-5 mét. Nước trên các sông lớn như: Thu Bồn (Quảng Nam), Trà Khúc (Quảng Ngãi), Sông Ba (Phú Yên)... đều lên trên báo động 3. Cùng thời điểm này, các hồ chứa lại vận hành xả lũ với lưu lượng lớn gấp nhiều lần mức bình thường. Như vậy, trong khi vai trò của hồ chứa được xem là điều tiết, cắt lũ cho vùng hạ du thì hàng loạt các công trình thủy lợi, thủy điện lại đang làm điều ngược lại. Lượng nước từ các hồ chứa này xả về làm cho vùng hạ du thêm ngập trầm trọng hơn.
Trước yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đảm bảo an toàn đập, an toàn hạ du và thực trạng diễn biến mưa, lũ lớn trong điều kiện thời tiết cực đoan ngày càng trở nên phức tạp, Bộ NN&PTNT đã cho phép thực hiện đề tài: “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả cắt lũ, đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du hồ chứa trong điều kiện mưa lũ lớn cực đoan” và Chủ nhiệm đề tài là TS. Nguyễn Ngọc Nam. Nhóm nghiên cứu đã đặt ra mục tiêu: Xác định được nguyên nhân và đề xuất tiêu chí cực đoan làm mất an toàn hồ chứa và gây ngập lụt, thiệt hại hạ du; Đề xuất được các giải pháp KH&CN nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn hồ chứa và giảm thiểu thiệt hại (ngập lụt) hạ du. Áp dụng điển hình cho 01 hồ chứa ở miền Trung.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã xác định được những kết quả như sau:
Đề tài đã xác định được nguyên nhân và đề xuất tiêu chí cực đoan làm mất an toàn hồ chứa và gây ngập lụt, thiệt hại hạ du, đồng thời đề xuất được các giải pháp áp dụng cho hồ Phú Vinh, tỉnh Quảng Bình.
Đề tài cũng đã hoàn thành đầy đủ về số lượng, đạt yêu cầu tốt về chất lượng, đúng thời hạn đối với tất cả những sản phẩm KH-CN đã đăng ký theo đề cương và Hợp đồng.
Đề xuất đưa dung tích điều tiết lũ, mực nước điều tiết lũ vào đặc trưng thành phần dung tích và mực nước của hồ chứa trong quy trình vận hành.
Đề tài đã làm rõ được một số ưu, hạn chế của công tác xây dựng quy trình vận hành hồ chứa thời gian qua.
Đề xuất được các nguyên tắc cơ bản tính lũ đến hồ chứa khi vận hành, nguyên tắc - sửa đổi quy trình vận hành, về quy hoạch, nâng cấp khu thượng lưu hồ chứa, nâng cấp đập, nâng cấp vùng hạ du. Tính toán áp dụng cho hồ chứa điển hình được địa phương chấp nhận.
Đề tài đã hệ thống và làm rõ hơn hoặc đã đề xuất được những vấn đề hoặc khái niệm khoa học có tính mới, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, như: Làm rõ hơn các Dấu hiệu nhận biết mưa, lũ lớn trong điều kiện thời tiết cực đoan để phục vụ vận hành an toàn đập và giảm thiểu thiệt hại hạ du;
Đề xuất phương pháp phân tích mưa vùng RFA để tăng độ chính xác dữ liệu phục vụ cho tính toán mưa, lũ lớn; phương pháp lũ đến hồ chứa khi vận hành trong điều kiện thời tiết cực đoan;
Đề xuất bộ tiêu chí cực đoan là nguy cơ đe dọa sự an toàn của hồ chứa khi gặp mưa, lũ lớn cực đoan. Lần đầu tiên tổng hợp và đề xuất bộ tiêu chí vận hành và phương pháp tính toán các tiêu chí (thông số) phục vụ cho vận hành an toàn đập, an toàn hạ du của hồ chứa khi gặp mưa, lũ lớn cực đoan.
Đề xuất bổ sung Bộ tiêu chí hồ sơ Quản lý Vận hành hồ phục vụ yêu cầu cắt giảm lũ đảm bảo an toàn hồ chứa và giảm ngập lụt hạ du trong điều kiện mưa, lũ lớn trong điều kiện thời tiết cực đoan có bảng chấm điểm chi tiết cho từng loại tiêu chí.
Đề tài đã lần đầu tiên tổng hợp và đề xuất bộ tiêu chí về đảm bảo an toàn hạ du trong điều kiện mưa, lũ lớn trong điều kiện thời tiết cực đoan, trong đó đưa ra cơ sở quy định chung cũng như đề cập đến các tiêu chí nhằm giảm thiểu thiệt hại hạ du.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15798/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)