Nghiên cứu, định hướng sử dụng công nghệ sạch trong ngành công nghiệp nhiệt điện
Cập nhật vào: Thứ sáu - 21/08/2020 10:41 Cỡ chữ
Việt Nam có nguồn nhiên liệu năng lượng đa dạng, song không thực sự dồi dào. Tiềm năng kinh tế-kỹ thuật thuỷ điện có thể sản xuất khoảng 70-80 tỷ kWh/năm, sẽ được khai thác hết từ nay đến năm 2020. Theo quy hoạch khai thác của ngành than, sản lượng than sẽ chỉ đủ cung cấp cho khoảng 12.000 MW, nghĩa là sản xuất được không quá 72 tỷ kWh mỗi năm, kể cả đến những năm 2025-2030. Với nguồn khí đốt tại các mỏ ngoài khơi, theo tính toán chỉ đủ cho phát triển các nhà máy điện khí để sản xuất trên 100 tỷ kWh/năm và khoảng 3- 5% lượng khí đốt cung cấp cho các hộ công nghiệp khác. Còn tiềm năng khai thác dầu thô đã đạt tới mức trần, khoảng 17-18 triệu tấn/năm và suy giảm dần giai đoạn sau năm 2015. Trong vòng 2-3 năm tới nước ta sẽ sớm từ quốc gia xuất khẩu chuyển sang nhập khẩu tịnh năng lượng.
Mặc dù thời gian qua Việt Nam đã tập trung hơn vào các sản phẩm năng lượng sạch và có hiệu suất cao, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại và mâu thuẫn gay gắt giữa phát triển năng lượng và bảo vệ môi trƣờng. Để có cơ sở luận giải việc lựa chọn công nghệ nào vào sản xuất nhiệt điện tại Việt Nam, bảo đảm góp phần tốt nhất cho phát triển sản xuất sạch theo định hướng của Chính phủ, từ năm 2016 đến năm 2017, ThS. Phạm Văn Liêm cùng các cộng sự tại Viện Công nghệ sạch đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, định hướng sử dụng công nghệ sạch trong ngành công nghiệp nhiệt điện” .
Trên cơ sở điều tra, khảo sát 26 nhà máy nhiệt điện trên phạm vi cả nước, kết hợp với các tài liệu báo cáo của các công ty nhiệt điện, nhóm nghiên cứu đề tài đã đánh giá thực trạng công nghệ nhiệt điện tại Việt Nam và so sánh với một số nước trên thế giới.
Từ kết quả nghiên cứu hiện trạng các công nghệ đang áp dụng tại các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam; xu hướng phát triển công nghệ nhiệt điện thế giới theo hướng sạch; từ phân tích cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi áp dụng công nghệ theo hướng sạch, nhóm nghiên cứu đã đề xuất định hướng phát triển công nghệ nhiệt điện Việt Nam theo hướng sạch đến năm 2030. Đồng thời đề xuất danh mục các công nghệ cần cấm, hạn chế và khuyến khích đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.
Để các định hướng phát triển công nghệ theo hướng sạch có thể đi vào cuộc sống thì các cơ chế, chính sách thực hiện mới là điều quyết định. Do vậy, đề tài đã nghiên cứu các cơ chế, chính sách chung đã ban hành liên quan đến phát triển công nghệ sạch tại Việt Nam và đánh giá những mặt được và những tồn tại của các cơ chế, chính sách hiện hành. Trên cơ sở đó, đề xuất các chính sách, giải pháp và cơ chế hỗ trợ nhằm phát triển công nghiệp nhiệt điện theo hướng sử dụng công nghệ sạch đến năm 2030.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15173) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)
nhiên liệu, năng lượng, thực sự, dồi dào, tiềm năng, có thể, sản xuất, khai thác, quy hoạch, sản lượng, nghĩa là, tính toán, phát triển, nhà máy, công nghiệp, giai đoạn, quốc gia, nhập khẩu