Nghiên cứu đề xuất tiêu chí xác định chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch. Áp dụng thử nghiệm cho dòng chính sông Đồng Nai từ sau hồ Trị An đến cửa Soài Rạp
Cập nhật vào: Thứ ba - 22/06/2021 16:12 Cỡ chữ
Hành lang sông thường là những khu vực có giá trị cao về mặt sinh thái, kinh tế - xã hội hay đời sống văn hóa tinh thần. Khu vực hành lang sông là đặc biệt quan trọng đối với quản lý tài nguyên nước, môi trường, sinh thái và bảo vệ đất, bảo vệ đa dạng sinh học. Tuy nhiên, đây cũng là những khu vực nhạy cảm, dễ bị tổn thương, biến đổi do các tác động của con người. Do đó, các nghiên cứu về hành lang sông, hồ (bao gồm các nghiên cứu về các chu trình, quá trình động lực học, thủy văn; đa dạng sinh học, diễn biến sinh thái học, hóa sinh; chu trình vận chuyển, chuyển đổi các chất hữu cơ, dinh dưỡng; tác động của hoạt động nhân sinh... trong phạm vi hành lang sông) phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, quy hoạch hay khôi phục hành lang sông... đã được tiến hành triển khai tương đối rộng tại nhiều nước trên thế giới.
Tại Việt Nam, song song với sự phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hoá, công nghiệp hoá, tình trạng biến đổi, suy thoái tài nguyên khu vực hành lang sông, hồ diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Tình trạng lấn chiếm đất ven các sông, hồ để xây dựng nhà, xưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác khoáng sản… diễn ra ngày càng phổ biến, gây mất ổn định, sạt lở bờ, biến đổi cảnh quan, môi trường vùng ven nguồn nước, thay đổi hình thái lòng dẫn sông và vùng lòng hồ, cản trở sự lưu thông dòng chảy, gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, suy thoái hệ sinh thái thủy sinh và các loài động, thực vật tự nhiên vùng ven nguồn nước, ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, du lịch, các di tích lịch sử, văn hóa ven bờ. Do đó, để nguồn tài nguyên nước phát triển bền vững, được sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, chống lãng phí thì việc xác định chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phạm vi của hành lang bảo vệ nguồn nước được xác định trên cơ sở chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước, tuy nhiên cơ sở lý thuyết và thực tiễn để xác định chức năng của hành lang cần có nghiên cứu cụ thể để xác lập.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trên, nhóm nghiên cứu Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên và Môi trường do ThS. Ngô Chí Hướng làm chủ nhiệm đề tài đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất tiêu chí xác định chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch. Áp dụng thử nghiệm cho dòng chính sông Đồng Nai từ sau hồ Trị An đến cửa Soài Rạp” với mục tiêu xác lập được bộ tiêu chí xác định chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch. Bộ tiêu chí này là công cụ quản lý có thể dùng cho các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến hành lang nguồn nước và nguồn nước để khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và hạn chế tác hại do nước gây ra theo các chức năng đã được xác định.
Sau một thời gian triển khai, đề tài đưa ra kết luận như sau:
Hành lang sông, suối, kênh, rạch thường là những khu vực có giá trị cao về mặt sinh thái, kinh tế - xã hội hay đời sống văn hóa tinh thần. Đây cũng là những khu vực nhạy cảm, dễ bị tổn thương, hoặc dễ bị biến đổi do các tác động của con người. Việc xây dựng văn bản hướng dẫn bộ tiêu chí xác định chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch là một vấn đề phức tạp. Ở nước ta, đây còn là vấn đề rất mới, hầu như không có nghiên cứu thực nghiệm nào đã được thực hiện, trong khi đó đặc điểm tự nhiên hành lang sông, suối, kênh, rạch và các hoạt động nhân sinh ven sông, suối, kênh, rạch ở nước ta rất đa dạng, phức tạp. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu trên thế giới và thực tế tại Việt Nam, việc hướng dẫn nội dung, trình tự thực hiện việc xác định chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất vên nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch là cần thiết.
Việc đề xuất tiêu chí xác định chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh rạch có vai trò quan trọng trong quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là phục vụ công tác xác định chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước làm cơ sở để xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch nhằm tạo ra những hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; góp phần bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Đề tài mới chỉ dừng lại ở mức đề xuất bộ các tiêu chí để xác định chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước và áp dụng thử nghiệm trên sông Đồng Nai đoạn từ sau hồ Trị An đến cửa Soài Rạp. Tuy nhiên, các tiêu chí đề xuất cho các chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã dựa trên các nghiên cứu thực tế trên đặc điểm trên 08 lưu vực sông và ở một số vùng miền. Mặt khác, để hài hòa với các ngành quản lý khác như thủy lợi, đê điều, giao thông thủy... và đặc thù quản lý địa 46 phương cần có các nghiên cứu sâu, rộng hơn.
Bộ tiêu chí xác định chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước là vấn đề mới đặt ra yêu cầu phải giải quyết cấp bách trong thực tiễn quản lý tài nguyên nước do đó để phát huy hiệu quả của bộ tiêu chí và thực hiện quản lý ngày càng tốt hơn hành lang nguồn nước và nguồn nước, nhóm đề tài kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, Hội đồng quốc gia tài nguyên nước, Ủy ban các lưu vực sông,... chỉ đạo sát sao, đồng bộ, có hiệu quả việc áp dụng bộ tiêu chí để xác định chức năng hành lang bảo vệ nguồn nước trên sông, suối, kênh rạch trong quy hoạch, quản lý tài nguyên nước. Các tổ chức, cá nhân có liên quan có hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra có trách nhiệm tuân thủ các quy định về tiêu chí xác định chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước. Đồng thời đề xuất các biện pháp phòng, chống sạt, lở khu vực hai bên bờ, bãi sông, xói lở, sụt lún lòng sông; bảo vệ các công trình lân cận; bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy trên sông; giao thông thuỷ, khả năng thoát lũ (nếu có); phòng, chống ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái ven sông; bảo tồn văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm an ninh, quốc phòng trong quá trình thực hiện các hoạt động thuộc phạm vi hành lang bảo vệ.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16340/2019) tại Cục Thông tin khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
hành lang, khu vực, giá trị, kinh tế, xã hội, đời sống, văn hóa, tinh thần, đặc biệt, quan trọng, quản lý, tài nguyên, môi trường, bảo vệ, sinh học, tuy nhiên, nhạy cảm, tổn thương, tác động, nghiên cứu, bao gồm