Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý và phát triển các cơ sở dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản
Cập nhật vào: Thứ tư - 17/11/2021 15:08
Cỡ chữ
Không có nhiều các nghiên cứu dịch vụ hậu cần nghề cá cả trong và ngoài nước. Trên thế giới các nghiên cứu chủ yếu tập trung nghiên cứu dịch vụ hậu cần trong các ngành như vận tải, dịch vụ cảng biển. Ở nước ta, nghiên cứu dịch vụ hậu cần mới dừng lại ở các nghiên cứu liên quan đến hoạt động tổ chức cung ứng trên biển hoặc tập trung đánh giá vai trò và hạn chế của loại hình thu mua sản phẩm khai thác.
Dịch vụ hậu cần nghề cá là một loạt các dịch vụ được triển khai từ những dịch vụ cung cấp đầu vào cho hoạt động khai thác đến các dịch vụ tiêu thụ sản phẩm đến thị trường tiêu dùng trong đó bao gồm cả những dịch vụ dịch vụ công ích phi lợi nhuận và những loại hình dịch vụ gắn liền với lợi ích kinh tế. Hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá bộc lộ nhiều hạn chế đặc biệt trong tổ chức, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hội nhập phát triển của ngành thủy sản nói chung và khai thác hải sản nói riêng.
Nhằm giải quyết các vấn đê tồn tại trong quản lý các cơ sở dịch vụ hậu cần trong hệ thống quản lý ngành Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tuyển chọn Viện nghiên cứu Hải sản cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Quốc Tĩnh thực hiện “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý và phát triển các cơ sở dịch vụ hậu cần phụ vụ khai thác hải sản”. Với mục tiêu đề xuất được các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả và phát triển các cơ sở dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản (hậu cần nghề cá). Kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa thiết thực trong việc đề xuất chính sách, xây dựng hành lang pháp lý thực hiện các mục tiêu trong đề án tái cơ cấu và đề án tổ chức lại khai thác hải sản đã được phê duyệt.
Thông tin từ phỏng vấn sâu được phân tích phát hiện các vấn đề trong tổ chức, phát triển, quản lý dịch vụ hậu cần cũng như việc triển khai các chính sách phát triển ngành thủy sản. Thông tin, số liệu hiệu quả triển khai chính sách được so sánh với mục tiêu phát triển ngành được ban hành trong các văn bản quy phạm nhằm xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của hệ thống dịch vụ hậu cần trong nghề khai thác hải sản.
Phương pháp xác định quy mô đầu tư phù hợp được chú trọng đến các loại hình cơ bản như: bảo quản sản phẩm, cung cấp nước đá, cung cấp nhiên liệu bởi đây là các dịch vụ thiết yếu quan trọng, cơ bản quyết định hoạt động của tàu khai thác.
Kết quả thống kê điều tra số lượng cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão từ nguồn số liệu thứ cấp do các cơ quan quản lý địa phương cung cấp cho thấy, tính đến thời điểm điều tra năm 2016 toàn quốc có 149 cơ sở bến cá, cảng cá và khu neo đậu. Trong đó, số cảng loại 1 có 11 cảng trong đó có 8 cảng kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão. Cảng loại 1 tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng III. Cảng loại 2 có 39 cảng với 18 cảng kết hợp với khu tránh trú bão, tập trung chủ yếu ở vùng I và vùng IV. Trên thực tế, số lượng cảng cá chưa công bố nhưng đang khai thác là khá lớn với 35 cảng, trong đó có 15 cảng có kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão, tập trung chủ yếu ở vùng I, vùng III và vùng IV. Kết quả thu thập số liệu thứ cấp tại 28 tỉnh ven biển đã thống kê được 24 khu neo đậu tàu thuyền và 41 bến cá. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng bến cá có thể còn lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là ở các tỉnh thuộc vùng II, vùng IV, vùng V. Số lượng bến cá cũng không được cập nhật ở các cơ quan quản lý địa phương bởi đây không phải là đối tượng quản lý của các cơ quan quản lý cảng cá và một số đặc tính như: quy mô nhỏ, tự phát... nên một số chủ cơ sở thu mua tự xây dựng bến cá phục vụ tàu thuyền ra vào bán sản phẩm khai thác.
So với các Ban quản lý cảng cá là đơn vị sự nghiệp, mô hình Ban quản lý là doanh nghiệp có tính chủ động cao trong đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng cảng cá, do được tự chủ nguồn tài chính từ khai thác và cung cấp các dịch vụ cảng cá. Tuy nhiên, mô hình doanh nghiệp còn nhiều hạn chế trong việc phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các dịch vụ công và công ích, cũng như thực hiện chế độ báo cáo hoạt động tàu cá ra vào cảng.
Dịch vụ công còn hạn chế trong các quy định phân cấp quản lý thực hiện đăng kiểm, đăng ký, cấp phép. Chưa căn cứ vào điều kiện thực tiễn nghề cá, đặc điểm ngư trường nguồn lợi, tập quán khai thác, đặc điểm loại hình nghề khai thác. Thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin để thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ thủy sản khai thác cũng như thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển...
Dịch vụ kinh tế phát triển mạnh, nhanh nhưng hoạt động đơn lẻ, tự phát, khó kiểm soát, quản lý. Các cơ sở cung ứng dịch vụ chưa xây dựng được chuỗi cung ứng sản phẩm khai thác đầy đủ. Hoạt động của các cơ sở này được xếp theo dạng hậu cần bên thứ 2, theo đó mỗi cơ sở cung cấp 01 hoặc một vài dịch vụ cho đội tàu khai thác.
Mức độ tập trung số của các loại hình dịch vụ kinh doanh hậu cần nghề khai thác giảm dần từ loại hình cảng cá loại 1, cảng cá loại 2, KNĐTTB và bến cá. Cảng loại 1 có bình quân: 05 kho bảo quản; 02 đội bốc xếp; 06 cơ sở cung cấp ngư cụ; 5 cơ sở cung cấp nhiên liệu; 46 cơ sở thu mua; 04 cơ sở đóng sửa tàu thuyền; 05 cơ sở cung cấp nước đá; 02 cơ sở cung cấp nước ngọt.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16860/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)