Nghiên cứu đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tại Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 13/12/2021 14:25 Cỡ chữ
Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính nhà nước là một yêu cầu tất yếu và cấp bách, coi đây là một trong những mục tiêu ưu tiên, trọng tâm của tiến trình đổi mới. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng tiếp tục nêu rõ quan điểm của Đảng: "Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, hiệu lực, hiệu quả, lấy kết quả phục vụ và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình".
Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, bộ máy hành chính nhà nước đã từng bước được kiện toàn, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu bên trong của cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương được sắp xếp hợp lý hơn, giảm bớt tầng nấc, cấp trung trung gian, nâng cao trách nhiệm của từng bộ phận và đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công việc. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, Nhà nước đã quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách nhằm từng bước đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong một số lĩnh vực, nhất là trong việc thu chi tài chính; từng bước giảm bớt sự can thiệp của cơ quan quản lý cấp trên; thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện, phân phối tiền lương của đơn vị sự nghiệp đã gắn với hiệu quả chất lượng công việc thông qua quy chế chi tiêu nội bộ; chất lượng các dịch vụ công cũng từng bước được nâng cao…
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được thực hiện ở một số lĩnh vực như: Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Khoa học & Công nghệ… Một số Bộ quản lý ngành đã ban hành các bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở: trường học, bệnh viện, tổ chức nghiên cứu và ứng dụng… Tuy nhiên, nội dung, phương pháp và tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công đang còn khá nhiều bất hợp lý, nội dung, tiêu chí đánh giá chưa thể hiện đầy đủ, toàn diện các yếu tố phản ánh hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), tính chính xác và độ tin cậy chưa cao.
Những hạn chế trong đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức, đơn vị là do các nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, cả lý luận, nhận thức và hành động, cả thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện, trong đó có nguyên nhân trực tiếp là do chưa đầu tư đúng mức vào việc nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về hiệu qủa hoạt động và đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong khu vực công.
Xuất phát từ thực tiễn đó, việc triển khai đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập” do Cơ quan chủ trì Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Ngọc Vân thực hiện có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận về đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức trong khu vực công, từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị về nội dung, phương pháp, bộ công cụ đánh giá và giải pháp thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, cải thiện chất lượng dịch vụ công đáp ứng yêu cầu và sự hài lòng của người dân, tổ chức trong bối cảnh mới của đất nước hiện nay.
Từ tổng quan các công trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn nêu trên có thể nhận thấy việc nghiên cứu về đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức hành chính nhà nước (HCNN) và đơn vị SNCL ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài khá phong phú, đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau có liên quan đến hiệu quả hoạt động của khu vực công, trong đó có thể phân thành hai nhóm: i) nhóm các công trình nghiên cứu về hoàn thiện tổ chức, hoạt động của bộ máy HCNN và của đơn vị SNCL nói chung, trong đó có đề cập đến hiệu quả hoạt động như là một bộ phận cấu thành; ii) nhóm các công trình nghiên cứu trực tiếp về đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức hành chính, sự nghiệp. Nhóm công trình nghiên cứu thuộc nhóm hai đã làm rõ hơn một số vấn đề lý luận cơ bản có liên quan đến đánh giá tổ chức trong khu vực công, cũng như đã nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của hoạt động đánh giá tổ chức HCNN và đơn vị SNCL. Trong đó đáng chú ý là đã có một số công trình nghiên cứu ứng dụng có ý nghĩa thực tiễn cao về đánh giá hiệu quả hoạt động của một số cơ quan trong bộ máy HCNN và đơn vị SNCL trên một số mặt, khía cạnh nhất định như PAPI, PCI, PAR Index, SIPAS...(đối với tổ chức HCNN); các bộ công cụ kiểm định chất lượng giáo dục, đánh giá chất lượng bệnh viện, đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức khoa học & công nghệ…(đối với đơn vị SNCL). Các công trình nghiên cứu này, với các mức độ, phạm vi khác nhau đã đề xuất khá cụ thể về nội dung, phương pháp đánh giá, chủ thể đánh giá, bộ công cụ đánh giá phù hợp với từng loại hình tổ chức, đơn vị. Các kết qủa nghiên cứu này cũng đã được áp dụng trong thực tiễn và đưa lại những kết quả, tác dụng đáng ghi nhận.
Đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức HCNN và đơn vị SNCL là một trong những biện pháp quan trọng để xây dựng và phát triển tổ chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân của bộ máy nhà nước. Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và tinh thần cải cách hành chính nhà nước về nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và hệ thống sự nghiệp, dịch vụ công, trong những năm gần đây, hoạt động đánh giá hiệu qủa của tổ chức HCNN và đơn vị SNCL đã được triển khai thực hiện với những mục tiêu, nhiệm vụ khác nhau, mức độ, phạm vi khác nhau. Các kết quả đánh giá đã góp phần thúc đẩy các cơ quan trong bộ máy HCNN, cũng như các đơn vị SNCL ở Trung ương và địa phương tiếp tục hoàn thiện tổ chức, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị cũng như của cả hệ thống HCNN và SNCL ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, các hoạt động đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức HCNN và đơn vị SNCL hiện đang còn khá mới mẻ, bỡ ngỡ, với nhiều hạn chế, khiếm khuyết cả về nôi dung, phương pháp và tổ chức thực hiện. Một số hoạt động đánh giá tổ chức HCNN và đơn vị SNCL được áp dụng trong thời gian gần đây mới đi sâu đánh giá về một hoặc một số mặt, khía cạnh nhất định của hiệu quả hoạt động của tổ chức, đơn vị, chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện cả kết quả đầu ra, hiệu quả sử dụng các nguồn lực (yếu tố đầu vào), và hiệu quả vận hành của tổ chức, đơn vị.
Những hạn chế trong đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức HCNN và đơn vị SNCL do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan, cả về nhận thức, thể chế và tổ chức thực hiện, trong đó có nguyên nhân trực tiếp bắt nguồn từ việc chưa quan tâm đúng mức đến nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn có liên quan đến hiệu quả hoạt động và đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức HCNN và đơn vị SNCL.
Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu này, trên cơ sở hệ thống hóa và làm rõ hơn một số vấn đề lý luận có liên quan; xem xét, đánh giá thực trạng, đề tài đề xuất khung đánh giá bao gồm nguyên tắc đánh giá, nội dung đánh giá, phương pháp đánh giá, quy trình đánh giá, chủ thể đánh giá và hai bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức HCNN và đánh giá hiệu qủa hoạt động của đơn vị SNCL, có thể áp dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay. Hai bộ tiêu chí đề xuất là các bộ tiêu chí khung, cần phải được cụ thể hóa cho phù hợp với đặc điểm, tính chất của mỗi loại hình tổ chức HCNN và mỗi loại 72 hình đơn vị SNCL. Đồng thời đề tài cũng đề xuất các điều kiện và một số giải pháp thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức HCNN và đơn vị SNCL theo khung đánh giá và các bộ tiêu chí đánh giá.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16969/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)