Nghiên cứu công nghệ nuôi, thu sinh khối vi tảo Nannochloropsis oculata, Isochrysis galbana phục vụ sản xuất giống hải sản
Cập nhật vào: Thứ tư - 09/10/2019 07:00
Cỡ chữ
Vi tảo biển là thức ăn tươi sống đặc biệt quan trọng cho tất cả các giai đoạn phát triển của các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, các giai đoạn ấu trùng của hầu hết các loài tôm, cá biển và cho các động vật phù du. Tốc độ phát triển và tỷ lệ sống của ấu trùng có liên quan mật thiết với chất lượng vi tảo đã sử dụng. Việc nuôi không ổn định, rủi ro do bị nhiễm bẩn và tàn lụi đột ngột, mật độ thấp là những vấn đề tồn tại đối với bất kỳ hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) nào tùy thuộc vào việc nuôi hàng loạt các vi tảo biển. Một trong những vấn đề nan giải của các cơ sở sản xuất giống (SXG) là việc đáp ứng đủ số lượng, đúng chất lượng cho đúng giai đoạn ấu trùng nuôi cần tảo tươi.
Nhu cầu sử dụng vi tảo biển cho sản xuất giống các loài hải sản có giá trị kinh tế bao gồm cá biển (cá Chẽm, các loài cá Mú, cá Chim,...), động vật thân mềm (Tu hài, Nghêu, Hàu, Sò huyết,...) và giáp xác (tôm Sú và Thẻ) ở nước ta ngày càng tăng và chất lượng vi tảo biển cũng đòi hỏi ngày càng cao. Công nghệ nuôi vi tảo ở nước ta cho đến nay vẫn còn lạc hậu, chỉ theo các phương pháp cổ truyền, bán liên tục, như nuôi kín trong bịch nhựa, nuôi hở trong bể xi măng, bể composite, thậm chí chưa nuôi nhiều trong hệ thống raceway, là hệ thống nuôi mà thế giới cho là lạc hậu và nhiều khuyết điểm.
Kỹ thuật nuôi vi tảo bằng phương pháp truyền thống phụ thuộc vào điều kiện môi trường và khí hậu đã 2 dẫn đến qui trình nuôi và chất lượng tảo chưa ổn định, tốn nhân công lao động, làm ảnh hưởng lớn qui mô cơ sở sản xuất giống, chất lượng và giá thành con giống. Sản phẩm tảo cô đặc nhằm thay thế vi tảo tươi là một trong những giải pháp giúp cơ sở sản xuất giống SXG không phụ thuộc nhiều vào kết quả nuôi sinh khối vi tảo. Hiện nay, nhu cầu sử dụng hai loài N. oculata và I. galbana cho SXG cá biển và nhuyễn thể ngày càng nhiều, do kích thước nhỏ và giá trị dinh dưỡng cao. Sản phẩm tảo cô đặc nói chung và của hai loài N. oculata và I. galbana nói riêng có nguồn gốc ngoại nhập chưa được thương mại hóa ở thị trường trong nước, sản phẩm sản xuất trong nước chưa có.
Xuất phát từ thực tế cần thiết phải xây dựng qui trình công nghệ nuôi thâm canh và tạo sản phẩm cô đặc của hai loài vi tảo biển N. oculata và I. galbana phục vụ sản xuất giống hải cung cấp cho các cơ sở SXG, TS. Đặng Tố Vân Cầm và các đồng nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi Trồng Thủy sản 2 đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ nuôi, thu sinh khối vi tảo N. oculata và I. galbana phục vụ sản xuất giống hải sản”.
Các sản phẩm của đề tài đã được nhiều cơ sở SXG dùng thử nghiệm và được sự hoan nghênh, các sản phẩm này cần được hoàn thiện về mặt công nghệ trước khi thương mại hóa. Sau đây là một số kết quả đạt được bước đầu:
1. QTCN nuôi thâm canh vi tảo N. oculata ở qui mô sản xuất trong HT ống đạt mật độ trung bình 265,98±12,84 triệu tb/mL.
2. QTCN nuôi thâm canh vi tảo I. galbana ở qui mô sản xuất trong HT ống đạt mật độ trung bình 24,26±1,32 triệu tb/mL.
3. QTCN thu hoạch và tạo sản phẩm cô đặc loài N. oculata.
4. QTCN thu hoạch và tạo sản phẩm cô đặc loài I. galbana.
5. Sản phẩm tảo cô đặc loài N. oculata dạng nhão có mật độ 60 tỷ tb/mL đạt số lượng 20 lít và dạng lỏng có mật độ 6 tỷ tb/mL đạt số lượng 100 lít. Chất lượng sản phẩm sau thời gian bảo quản 10 tuần đạt tỷ lệ sống (92±1)% đối với dạng nhão, (94±1)% dạng lỏng, sản phẩm có mùi bình thường, không nhiễm khuẩn và mức độ kết dính tế bào < 10%.
6. Sản phẩm tảo cô đặc loài I. galbana dạng nhão có mật độ 4 tỷ tb/mL, đạt số lượng 20 lít và dạng lỏng có mật độ 0,4 tỷ tb/mL, đạt số lượng 100 lít. Chất lượng sản phẩm dạng nhão sau thời gian bảo quản 5 tuần đạt tỷ lệ sống (81±2)%, sản phẩm có mùi bình thường, không nhiễm khuẩn hay ở mức độ rất thấp (vài khuẩn lạc) và mức độ kết dính tế bào < 10%.
7. Sản phẩm cô đặc N. oculata thay thế được vi tảo tươi tương ứng trong nuôi sinh khối luân trùng B. plicatilis, dạng lỏng cho kết quả không khác biệt tảo tươi, dạng nhão cho kết quả khoảng 80% so với tảo tươi.
8. Sản phẩm cô đặc I. galbana thay thế được vi tảo tươi tương ứng trong ương ấu trùng nghêu giai đoạn trôi nổi, cả hai dạng nhão và lỏng cho kết quả không khác biệt tảo tươi.
9. Các sản phẩm N. oculata và I. galbana có giá thành bước đầu được ước tính là chấp nhận được.
Các sản phẩm của đề tài là tảo tươi, tảo cô đặc dạng nhão và lỏng đậm đặc của hai loài N. oculata và I. galbana sẽ được sử dụng cho SXG nhiều loài hải sản có giá trị cao như cá biển, nhuyễn thể và giáp xác. Sản phẩm tảo cô đặc có thể thay thế được tảo tươi, là sản phẩm chưa có trên thị trường trước đây, giá thành không cao hơn sản phẩm ngoài nước (chưa thương mại hóa được ở thị trường trong nước). Vì vậy sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có thể tạo ra giá trị thặng dư thông qua việc ứng dụng sản phẩm vào sản xuất và đời sống.
Kết quả của đề tài sẽ mở đường cho công nghệ nuôi vi tảo trong hệ thống photobioreactor, xóa bỏ dần các phương pháp nuôi lạc hậu không đạt chất lượng làm ảnh hưởng đến giá thành và chất lượng con giống. Con giống tốt luôn là yếu tố căn bản đầu tiên giúp nghề nuôi phát triển bền vững. Thành công của đề tài sẽ đưa công nghệ sản xuất vi tảo cũng như giống hải sản tiến xa hơn một bước và dần sánh kịp với bạn bè tiên tiến trên thế giới.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15088/2018) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
P.K.L (NASATI)