Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất hành vi, hình thức và mức xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển
Cập nhật vào: Thứ năm - 25/02/2021 23:38
Cỡ chữ
Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Luật này đã có nhiều thay đổi về hình thức, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2008), đặc biệt là tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường từ 500.000.000 đồng lên 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
Quốc hội cũng đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Theo quy định của các Luật này, nhiều nội dung quy định đã được điều chỉnh theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Luật Đa dạng sinh học đã bổ sung nhiều quy định mới về bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật và tài nguyên di truyền.
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ra đời quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Theo Luật này nhiều nội dung quy 5 định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển đã được quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Đây cũng chính là hành lang pháp lý quan trọng tạo bước đột phá trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
Khi đề cập đến pháp luật xử phạt vi phạm hành chính thì một trong những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu là cơ sở của việc xử phạt hành chính. Cơ sở của việc xử phạt vi phạm hành chính là có hành vi vi phạm hành chính được pháp luật quy định. Xác định được đúng hành vi vi phạm hành chính, tức là xác định đúng cơ sở xử phạt, thì việc thực hiện xử phạt hành chính mới bảo đảm chính xác, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, phát huy được hiệu quả và mục đích của việc xử phạt hành chính là nhằm lập lại trật tự quản lý nhà nước bị xâm hại, góp phần giáo dục, người vi phạm và răn đe, phòng ngừa vi phạm trong tương lai, tránh được sự tuỳ tiện trong xử phạt hành chính. Chính vì những lý do đó, Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất hành vi, hình thức và mức xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển” do Cơ quan chủ trì đề tài Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Lại Đức Ngân thực hiện. Với mục tiêu: Đánh giá được thực trạng và mức độ thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trong nước và kinh nghiệm quốc tế về việc xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tài nguyên, môi trường biển; Có được cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất hành vi, hình thức, mức xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển phù hợp với thực tế Việt Nam.
Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường biển còn chồng chéo, thiếu đồng bộ; chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Chưa có một văn bản pháp luật chính thức quy định về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, hải đảo. Chỉ có một số quy định được thể hiện rải rác trong các văn bản của Chính phủ theo từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể và trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.
Để tăng cường công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo thì việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định các hành vi, hình thức và mức xử phạt chi tiết đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, sau khi Luật Tài nguyên và Môi trường biển, hải đảo có hiệu lực. Với lý do đó, nhóm tác giả chọn đề tài: "Nghiên cứu lý luận và thực tiễn đề xuất hành vi, mức xử phạt và biện pháp khắc phụ hậu quả vi phạm hành chình trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển" để nghiên cứu. Mục đích của đề tài là đánh giá thực trạng các quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển, tìm ra những bất cập, vướng mắc ngay trong các quy định và thực tiễn áp dụng, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và tổ chức thực hiện; nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống các vi phạm hành chính nói chung, vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển nói riêng.
Qua quá trình nghiên cứu, bằng những phương pháp cứu như: thống kê, đánh giá tài liệu, kế thừa các kết quả nghiên cứu hiện có, khảo sát thực địa, tham vấn ý kiến chuyên gia, phân tích và đánh giá tổng hợp... Đề tài đã thực hiện được các nội dung nghiên cứu như sau:
- Pháp luật và Quy chế pháp lý về các hình thức, chế tài và biện pháp xử lý vi phạm về môi trường biển trong pháp luật quốc tế và việc thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Việt Nam.
- Tình hình xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển; vai trò của các lực lượng, cơ quan, tổ chức, cá nhân về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển.
- Đề xuất hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm, tổng hợp hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực (hàng hải, dầu khí, thủy sản, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản) theo các nhóm nội dung vi phạm quy định trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển (quy định về chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quy định về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, quy định về nghiên cứu khoa học về 28 tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, quy định về chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, quy định về nhận chìm ở biển, quy định về hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo).
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16294/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)