Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết việc sử dụng mã số, mã vạch
Cập nhật vào: Thứ tư - 23/11/2022 13:03 Cỡ chữ
Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó, các Điều 19a, 19b, 19c và 19d đã quy định các nội dung về phân công quản lý nhà nước về hoạt động mã số mã vạch (MSMV), trách nhiệm của các tổ chức sử dụng MSMV, Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng MSMV và Thủ tục xác nhận sử dụng mã nước ngoài hoặc ủy quyền sủ dụng MSMV. Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh điện tử hóa mạnh mẽ trên nền cách mạng công nghiệp 4.0 và đơn giản hóa các thủ tục hành chính là nhu cầu bức thiết, thì việc thực hiện các quy định thủ tục hành chính như quy định trong Nhị định 74 cần phải được bổ sung, chi tiết hóa các biện pháp giúp việc thực thi ngày càng được phù hợp hơn. Trên cơ sở hướng dẫn chi tiết, nhóm nghiên cứu đề xuất đưa vào các biện pháp đơn giản hóa (điện tử hóa một số khâu thực hiện) các thủ tục hành chính thực hiện các Điều trên.
Bên cạnh đó, hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đã được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo triển khai tại Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng các văn bản, quy định pháp luật về quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc. Dưới góc độ cả chuyên môn và quản lý, xét thấy hoạt động truy xuất nguồn gốc liên quan mật thiết tới việc ứng dụng mã số, mã vạch sản phẩm, hàng hóa, do đó nhóm nghiên cứu đã đề xuất tích hợp quy định về quản lý mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hang hóa trên 1 văn bản.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Bùi Bá Chính thực hiện “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết việc sử dụng mã số, mã vạch” với mục tiêu: Đề xuất các nội dung làm căn cứ xây dựng dự thảo Thông tư Quy định chi tiết và biện pháp quản lý và sử dụng mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, trình Bộ KH&CN duyệt, ký ban hành.
Nhiệm vụ nghiên cứu được tiến hành theo logic đi từ tổng quan phương pháp luận và yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động MSMV, TXNG đến đề xuất một quy định thống nhất chung cho toàn quốc về quản lý, sử dụng MSMV, TXNG phù hợp với điều kiện VN và tương hợp quốc tế:
- Một trong những cách tiếp cận quan trọng của đề tài là tổng quan các nghiên cứu đã có trong nước và trên thế giới nhằm có cái nhìn khái quát nhất về hoạt động MSMV, TXNG sản phẩm, hàng hóa;
- Tiếp cận từ yêu cầu thực tiễn
- Tìm hiểu các hoạt động MSMV, TXNG đang diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam, đặc biệt tìm hiểu kỹ về quy trình vận hành để rút ra các điểm phù hợp nhằm lựa chọn, áp dụng trong điều kiện Việt Nam.
Đề án đã được thực hiện nghiêm túc trong 12 tháng (1-12/2019) đối với cả 2 phần nghiên cứu (phần 1 thực hiện theo thuyết minh nhiệm vụ về MSMV và phần 2 là nội dung thực hiện bổ sung về TXNG được phê duyệt riêng) và đã hoàn thành đúng tiến độ, đạt được mục tiêu đề ra.
Kết quả của Đề án đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn về việc sử dụng, áp dụng và quản lý hoạt động MSMV, TXNG. Trong đó, việc nghiên cứu cơ sở lý luận được thực hiện thông qua các tài liệu của tổ chức mã số mã vạch toàn cầu GS1. Kết hợp với quá trình thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, phổ biến MSMV tại một số địa phương, nhóm nghiên cứu đã tận dụng cơ hội để thực hiện các cuộc khảo sát hiện trạng áp dụng MSMV, TXNG. Từ những lý luận và hiện trạng thực tiễn này, nhóm nghiên cứu đã đề xuất được:
- Hệ thống các nội dung quy định về quản lý, sử dụng và ứng dụng MSMV phù hợp với điều kiện Việt Nam, tương hợp với quốc tế và đã đáp ứng yêu cầu phục vụ việc thực hiện một số quy định liên quan tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP;
Một số nội dung cơ bản nhằm hiệu quả hóa việc quản lý hoạt động TXNG một cách thống nhất trong toàn quốc, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tương hợp quốc tế và đáp ứng phần cơ bản tạo hành lang pháp lý cho hoạt động TXNG sản phẩm, hàng hóa, góp phần đẩy nhanh tiến trình triển khai Đề án 100. Ở Việt Nam, hoạt động TXNG sản phẩm, hàng hóa là một hoạt động không mới, nhưng thực hiện ý tưởng xây dựng các hệ thống TXNG theo chuẩn chung, mang tính tập trung, thống nhất trong cả nước và tương hợp với quốc tế là điều rất mới. Sự mới này có thể dẫn dắt việc sản xuất, kinh doanh đến những thành công trên trường quốc tế.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17696/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)