Nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu
Cập nhật vào: Thứ sáu - 04/09/2020 15:13
Cỡ chữ
Việc sử dụng máy bay phun thuôc trừ sâu trên các cánh đồng đang trở nên phổ biến trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam việc áp dụng công nghệ này còn khá mới mẻ. Việc này không chỉ nâng cao nhận thức của người dân trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần nâng chất lượng môi trường, bảo đảm an toàn lao động. Mới đây Công ty Cổ phần Công nghệ Xelex cho biết họ đã nghiên cứu và chế tạo máy bay không người lái dùng để phun thuốc trừ sâu trên những cánh đồng hoa màu Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Ái Hữu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Xelex, máy bay không người lái là sản phẩm thứ hai sau máy tính bảng Xelex, do Công ty Cổ phần Công nghệ Xelex đã hợp tác chiến lược với Công ty TNHH MTV JWC Lab Vietnam nghiên cứu và sản xuất thành công tại Việt Nam. Dự kiến vào cuối năm 2020 sẽ có khoảng 300 chiếc máy bay không người lái sẽ chuyển giao cho người nông dân để sử dụng vào việc phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên lúa, hoa màu. Trong năm 2021, sẽ có khoảng 3.000 chiếc máy bay không người lái xuất xưởng để phục vụ đồng áng theo đơn đặt hàng của nông dân.
Chiếc máy tính bảng Xelex, sản phẩm công nghệ thuần Việt, do kỹ sư Việt Nghiên cứu và chế tạo và có hàng nghìn chiếc đã được chuyển giao cho các hợp tác xã, hộ nông dân ở khu vực miền Nam sử dụng như một loại công cụ hiệu qủa trong quản lý cảnh tác nông nghiệp và dần trở thành vật dụng phổ biến.
Những chiếc máy bay không người lái dùng để phun thuốc sâu là công trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo do các chuyên gia, kỹ sư người Việt trong và ngoài nước cùng hợp tác thực hiện, tính năng của máy ưu việt không thua kém sản phẩm cùng loại của các nước.
Trước đó, việc ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cũng đã được thử nghiệm tại xã Minh Tân (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Có được kết quả này là do HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Tân đã ký hợp đồng với doanh nghiệp để đưa máy bay không người lái về phục vụ người dân phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng lớn. Việc sử dụng máy bay phun thuốc không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động mà còn tiết kiệm thời gian. Hiệu quả rõ nhất là giúp bảo đảm sức khỏe người dân vì không phải trực tiếp tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, không phải mang, vác bình bơm trong thời gian dài. Trước đây, người dân mang bình bơm thuốc dù mặc áo mưa, mang đầy đủ bảo hộ lao động nhưng thuốc bảo vệ thực vật thường có mùi nên không tránh khỏi việc hít phải mùi thuốc, gây mất an toàn lao động, chưa kể kến việc xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng cách. Nhưng đến nay, việc này đã được giải quyết. Quá trình giám sát đã có cán bộ bảo vệ thực vật và HTX đứng ra đảm nhận, chịu trách nhiệm.
Theo ban giám đốc HTX Minh Tân, thuận lợi trong quá trình đăng ký doanh nghiệp sử dụng máy bay phun thuốc là HTX đã tổ chức người dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn nên hầu hết thành viên và người dân cùng đăng ký. Đến nay, diện tích thành viên và người dân đăng ký với HTX là 200ha, để giúp đỡ người dân, HTX cũng hỗ trợ nhằm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Các đầu phun thuốc từ máy bay rất nhỏ và mịn nên giảm được lượng nước dùng pha thuốc mà vẫn bảo đảm thuốc có thể trải đều mặt ruộng. Thiết bị bay không người lái có thể chứa được 9 lít thuốc mỗi lần phun. Tùy vào địa hình, mỗi ngày máy có thể phun được 50 ha.
Chỉ tính riêng chiến dịch phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh lần này, sử dụng máy bay không người lái đã giúp người dân xã Minh Tân tiết kiệm khoảng 55 triệu đồng cho một lần phun thuốc. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, nâng cao hiệu quả phun trừ mà sử dụng máy bay không người lái phun thuốc còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, không còn tình trạng bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan trên bờ ruộng, dưới kênh mương. Mong rằng mô hình phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái sẽ được nhân rộng trên toàn tỉnh, từ đó thay đổi tư duy sản xuất, giảm chi phí, giải phóng sức lao động, giảm thiểu độc hại tới sức khỏe người nông dân, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nông nghiệp tại Thái Bình.
NASATI