Nghiên cứu chế tạo cảm biến sinh học điện hóa có độ nhạy và chọn lọc cao dựa trên vật liệu carbon nanotubes và graphene
Cập nhật vào: Thứ tư - 27/04/2022 12:03
Cỡ chữ
Nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên do TS. Nguyễn Xuân Viết dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chế tạo cảm biến sinh học điện hóa có độ nhạy và chọn lọc cao dựa trên vật liệu carbon nanotubes và graphene” từ năm 2017 đến năm 2019.
Đề tài hướng đến mục tiêu nghiên cứu chế tạo cảm biến sinh học điện hóa dựa trên nền vật liệu cacbon nanotube và graphene kết hợp với hạt nano kim loại (Au, Ag, Cu, Ni v.v.) nhằm phát hiện sớm sự thay đổi bất thường một số chất đánh dấu sinh học như hCG, PSA, dopamine, glucose phục vụ chẩn đoán sớm một số bệnh hiểm nghèo ở người như ung thư, Parkinson, tiểu đường.
Vấn đề lựa chọn nghiên cứu của đề tài là một vấn đề rộng, liên quan đến một khối lượng lớn công việc bao gồm nhiều quá trình từ việc tổng hợp vật liệu bằng các phương pháp khác nhau, khảo sát tính chất vật liệu, đến phương pháp chế tạo cảm biến và khảo sát độ nhạy của cảm biến thu được trên đối tượng nghiên cứu. Vì thế, trong nghiên cứu, các tác giả đã sử dụng các phương pháp tiếp cận sau: tiếp cận hệ thống và tiếp cận từ thực trạng nghiên cứu.
Một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:
- Đã biến tính bề mặt điện cực carbon trong hệ 3 điện cực thu nhỏ để làm cảm biến điện hóa xác định Dopamine (DA) trong sự có mặt đồng thời của Asorbic acid (AA) và Uric acid (UA).
- Đã tổng hợp được graphene oxit (GO) bằng phương pháp hóa học (phương pháp Hummer cải tiến). Tổng hợp được hệ Ni/rGO bằng phương pháp hóa học và ứng dụng trong chế tạo cảm biến điện hóa phát hiện chất độc thực phẩm Sudan I.
- Đã nâng cao độ nhạy của cảm biến sinh học nhằm phát hiện chất đánh dấu sinh học hCG bằng biến tính bề mặt điện cực thu nhỏ (SPCE) với vật liệu ống than nano đơn tường (SWCNT) và hạt nano kim loại vàng.
- Đã chế tạo vật liệu nano carbon - graphene bằng phương pháp điện hóa và sử dụng trong chế tạo cảm biến sinh học điện hóa.
- Đã chế tạo vật liệu nano kim loại dạng 3D và sử dụng trong chế tạo cảm biến sinh học điện hóa - cảm biến glucose.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17089/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)