Đánh giá hiệu quả và tác động của các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi trong thời kỳ đổi mới
Cập nhật vào: Thứ sáu - 23/12/2022 12:01
Cỡ chữ
Chính sách khuyến khích thu hút dầu tư (KKTHĐT) là những biện pháp được nhà nước sử dụng để thu hút đầu tư, hướng các dự án đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn cần thiết. Theo nghĩa hẹp, có thể là những giải pháp ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư như các ưu đãi về tài chính, thời gian, thủ tục. Theo nghĩa rộng hơn, bao gồm cả các giải pháp gián tiếp như tạo môi trường vĩ mô ổn định, hạ tầng, tăng khả năng tiếp cập nguồn lực, cải thiện chất lượng nguồn lực.
Vùng dân tộc và miền núi, hay vùng miền núi và dân tộc thiểu số (DT&MN hay MN&DTTS) ở nước ta hiện là những vùng khó khăn nhất, dân số nghèo chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm hơn 50% tỷ lệ nghèo của cả nước), tăng trưởng và phát triển KT-XH ở trình độ thấp. Kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới, mở cửa nền kinh tế đến nay, Đảng và Nhà nước đã và đang có những chính sách KKTHĐT lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), xóa đói, giảm nghèo của khu vực này. Rất nhiều văn bản chính sách đều xác định vùng DT&MN là địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn (ĐBKK), được hưởng nhiều ưu đãi đầu tư hơn so với vùng khác. Các chính sách khuyến khích, ưu đãi này tập trung vào việc miễn giảm thuế, thời hạn thuê và tiền thuê đất, tiếp cận tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển hạ tầng ngoài hàng rào dự án, hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ.
Trên thực tế, có thể nhận thấy hiệu quả và tác động của các chính sách này là chưa rõ nét trên các góc độ kinh tế và xã hội. Đầu tư tư nhân (ĐTTN) (kể cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến nay còn rất khiêm tốn. Hầu hết doanh nghiệp (DN) đầu tư vào khu vực này là các DN có nguồn gốc nhà nước, thiếu vắng các DN tư nhân trong nước (DNTNTN) và DN FDI.
Do tính chất tổng hợp, đan xen nhiều nội dung, thời điểm, địa hình, tổng quan các nghiên cứu về chính sách KKTHĐT vào vùng DT&MN cho thấy, hiện rất ít nghiên cứu đánh giá một cách tổng thể về vấn đề này, phần nhiều là các báo cáo tổng kết, ít có các nghiên cứu học thuật, sử dụng các công cụ và cách tiếp cận khoa học để nhìn nhận về thực trạng, nguyên nhân tác động và hiệu quả của các chính sách này. Phần nhiều nghiên cứu hiện nay là riêng lẻ theo chương trình, hoặc địa bàn cụ thể.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Lương Văn Khôi thực hiện “Đánh giá hiệu quả và tác động của các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi trong thời kỳ đổi mới” với mục tiêu: Đề tài sẽ làm rõ về kết quả, hiệu quả và tác động của chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi (DT&MN) từ năm 1986 đến nay. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp đổi mới, hoàn thiện chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào vùng DT&MN đến năm 2030.
Chính sách KKTHĐT là những biện pháp được nhà nước sử dụng để KKTHĐT, hướng các dự án đầu tư vào các ngành, các khu vực cần thiết hoặc ảnh hưởng đến tính chất của đầu tư. Chính sách KKTHĐT vào vùng DT&MN là tập hợp các giải pháp của Nhà nước nhằm thu hút các nhà đầu tư triển khai đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng vào sản xuất, kinh doanh (SXKD) ở vùng DT&MN.
Nhìn chung, trên thế giới có thể phân nhóm chính sách KKTHĐT thành hai nhóm: chính sách tài chính và chính sách phi tài chính. Chính sách tài chính nhằm KKTHĐT thông qua giảm chi phí đầu tư và SXKD sau đầu tư. Chính sách phi tài chính gồm các giải pháp tạo động cơ cho đầu tư, như tiếp cận nguồn lực đầu tư và SXKD, cải thiện lao động, công nghệ cũng như tiếp cận thị trường…
Vai trò của chính sách KKTHĐT: (1) Thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài hoặc từ bên ngoài vùng vào một vùng cụ thể; (2) giúp Nhà nước hoạch định cơ cấu kinh tế và rút ngắn khoảng cách vùng miền; (3) giúp giải quyết nhiều vấn đề xã hội của vùng, địa phương nói riêng và cả nước nói chung; (4) thu hút đầu tư nước ngoài, giúp tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại và phương pháp quản lý tiên tiến của các nước phát triển; (5) góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hợp lý và hiệu quả; (6) khắc phục những hạn chế còn tồn tại của môi trường đầu tư đặc biệt là những bất lợi do điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của vùng.
Hiệu quả của chính sách liên quan đến khối lượng nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu kết quả, hoặc ngược lại, là mức độ kết quả khi sử dụng một khối lượng nguồn lực nhất định. Nói cách khác, hiệu quả của chính sách liên quan đến việc so sánh với một mốc cụ thể, hoặc so sánh giữa các giải pháp chính sách khác nhau hoặc so sánh giữa các mốc thời gian hoặc so sánh giữa kết quả, tác động của chính sách với chi phí của chính sách. Trong khi đó, tác động của chính sách liên quan đến mức độ ảnh hưởng của chính sách, đo đếm thông qua các chỉ số kết quả.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Vùng DT&MN chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 DTTS, với gần 12,3 triệu người, chiếm 14,27% dân số cả nước. Là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, QPAN và môi trường sinh thái; có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch, kinh tế cửa khẩu. Đặc điểm của vùng DT&MN có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra thiên tai, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hầu hết còn yếu kém. Nông nghiệp chủ yếu sản xuất theo quy mô hộ gia đình, sản xuất phân tán, kỹ thuật canh tác nhìn chung chưa phát triển. Trình độ dân trí thấp; các thế lực thù địch vẫn thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh, chính trị của đất nước.
Nâng cao đời sống cho người nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH cho đồng bào vùng DT&MN luôn là những vấn đề ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Mặc dù đã có những tiến bộ nhất định về phát triển KT-XH, đồng bào vùng DTT&MN vẫn là khu vực rốn nghèo với tỷ lệ nghèo cao. Các đánh giá gần đây cho thấy DTTS khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa đang được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với các nhóm dân cư khác, tạo ra sự khác biệt và bất bình đẳng trong xã hội. Đây cũng là vấn đề chung của các nước trong giai đoạn chuyển đổi từ nước có mức thu nhập thấp thành nước có mức thu nhập trung bình.
Để đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển bền vững và công bằng, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều chương trình đầu tư trong lĩnh vực giảm nghèo, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào vùng DT&MN. Các chính sách được ban hành nhiều, liên tục ngay từ trước năm 2000 đến nay. Tuy nhiên, các chính sách KKTHĐT vào vùng DT&MN còn dàn trải và trùng lắp ở nhiều chương trình. Do đó, việc đánh giá tác động và hiệu quả của các chính sách KKTHĐT vào vùng DT&MN là việc làm cần thiết, từ đó có những điều chỉnh chính sách phù hợp với bối cảnh hiện nay và thời gian tới.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17881/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)