Cảm biến sinh học trên cơ sở dây nano ZnO và SnO2 biến tính nhằm phát hiện nhanh một số vi khuẩn gây bệnh
Cập nhật vào: Thứ hai - 06/12/2021 04:47 Cỡ chữ
Trong vòng ba năm (từ năm 2016 đến năm 2019), TS. Đặng Thị Thanh Lê cùng các cộng sự tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thực hiện đề tài: “Cảm biến sinh học trên cơ sở dây nano ZnO và SnO2 biến tính nhằm phát hiện nhanh một số vi khuẩn gây bệnh”.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: tìm ra được các phương pháp hiệu quả cho phép chế tạo dây nano ZnO và SnO2 biến tính cho ứng dụng nhạy sinh học; phát triển được cảm biến sinh học trên cơ sở dây nano ZnO và SnO2 biến tính; làm sáng tỏ những hiểu biết sâu sắc hơn về tính chất nhạy sinh học của các loại vật liệu nhận được; và làm sáng tỏ những hiểu biết sâu sắc hơn về tính tương thích sinh học của các loại vật liệu nhận được.
Dưới đây là các kết quả chính của đề tài nghiên cứu:
1) Hoàn thiện quy trình chế tạo sợi nano ôxít kim loại ZnO trên điện cực điện hóa bằng phương pháp quay phủ tĩnh điện (electrospinning): Đã hoàn thiện và ổn định quy trình chế tạo sợi nano ZnO trên điện cực điện hóa bằng phương pháp quay phủ tĩnh điện. Các tính chất vi cấu trúc và tính chất điện hóa của sợi nano ZnO cũng đã được nghiên cứu. Các kết quả này được công bố chi tiết ở công trình [Dang Thi Thanh Le et al., Communications in Physics, Vol.27, No.3 (2017), 221].
2) Hoàn thiện quy trình chế tạo thanh nano ZnO bằng phương pháp thủy nhiệt: Đã hoàn thiện và ổn định quy trình chế tạo thanh nano ZnO bằng phương pháp thủy nhiệt. Các tính chất vi cấu trúc và tính chất điện hóa của thanh nano ZnO cũng đã được nghiên cứu. Các kết quả này được công bố chi tiết ở hội nghị quốc tế (châu Á) uy tín về cảm biến [Nguyen Thi Hong Phuoc et al., The 12th Asian Conference on Chemical Sensors ACCS 2017, 327]. Tiếp theo đó, trên cơ sở quy trình mọc dây/thanh nano ZnO ổn định, khảo sát tính chất nhạy khí NO2 của thanh/dây nano ZnO thu được, các kết quả được công bố chi tiết ở công trình ISI [Vo Thanh Duoc et al., Journal of Nanomaterials, Vol 2019, Article ID 6821937, 9 pages. DOI: 10.1155/2019/6821937].
3) Hoàn thiện quy trình chức năng hóa bề mặt thanh nano ZnO, từ đó cố định kháng thể để phát hiện vi khuẩn Salmonella: Đã hoàn thiện và ổn định quy trình chức năng hóa bề mặt thanh nano ZnO sử dụng đơn lớp tự hợp (SAM), từ đó cố định kháng thể để phát hiện vi khuẩn Salmonella và E.coli. Các kết quả này được công bố chi tiết ở công trình ISI [Nguyen Thi Hong Phuoc et al., Journal of Nanomaterials, Vol 2019, 9 pages. DOI: 10.1155/2019/2341268].
4) Tổng quan các kết quả nghiên cứu về ZnO cấu trúc nano ứng dụng cho cảm biến sinh học kiểu điện hóa phát hiện mầm bệnh: Sau thời gian tìm hiểu thu thập tài liệu chủ nhiệm đề tài kết hợp với đối tác nước ngoài (TS Matteo Tonezzer) đã tổng quan kết quả nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu trên thế giới về các cấu trúc nano ZnO ứng dụng cho cảm biến sinh học kiểu điện hóa trong chương sách xuất bản bởi NXB Nova Science, New York [Matteo Tonezzer and Dang Thi Thanh Le, Nova Science Publishers].
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16822/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)