Xây dựng QCVN về phân bón Urê
Cập nhật vào: Thứ năm - 27/02/2020 15:31
Cỡ chữ
Nước ta là một nước nông nghiệp, trên 70% dân số sống bằng nghề nông. Vì vậy nông nghiệp là một ngành quan trọng cần được đầu tư phát triển để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực quốc gia và đưa Việt Nam trở thành một cường quốc xuất khẩu lương thực. Dưới góc độ kỹ thuật, phân bón là thức ăn của cây trồng, thiếu phân bón cây không thể sinh trưởng và cho năng suất, chất lượng cao. Trong trồng trọt, từ kinh nghiệm xưa nay, ông bà ta đã đúc kết ra rằng ''nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống'', qua đó thấy được phân bón là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng nông sản của các loại cây trồng trong mọi phương thức canh tác. Đối với nhiều quốc gia đang phát triển việc cung cấp phân bón quan trọng như cung cấp thực phẩm. Ở nước ta, sản phẩm phân bón đã được xếp vào một trong những sản phẩm quan trọng về doanh thu cũng như về vị trí trong nền kinh tế quốc dân. Phân đạm urê là nguồn cung cấp dinh dưỡng đa lượng Nitơ (N) chính cho cây trồng. Ước tính hiện nay, mỗi năm Việt Nam sử dụng trên 2 triệu tấn phân bón urê để phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp hoặc làm nguyên liệu để sản xuất các loại phân bón đa yếu tố.
Hiện nay, Việt Nam có 04 cơ sở sản xuất phân đạm urê với tổng năng lực sản xuất là 2,6 triệu tấn, chủ yếu đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và một phần để xuất khẩu sản phẩm. Bên cạnh phân urê sản xuất trong nước, thị trường phân bón còn có urê nhập khẩu với tỷ lệ không nhỏ. Năm 2014, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC134 Phân bón đã biên soạn TCVN 2619:2014 phân urê - yêu cầu kỹ thuật thay thế TCVN 2619:1994 và TCVN 2620:2014 phân urê - phương pháp thử thay thế cho TCVN 2620:1994. Theo quy định tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP và nay là Nghị định số 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, phân bón thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, được quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do cơ quan có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng. Tuy nhiên, đến nay, chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón nói chung hay phân urê nói riêng được ban hành. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón vô cơ nói chung và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân Urê là hết sức cần thiết đảm bảo khắc phục những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý chất lượng phân bón vô cơ, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân bón. Với những thực tế trên nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Thanh Loan - Cục Hóa chất - Bộ Công Thương làm chủ nhiệm đã tiến hành đề tài: “Xây dựng QCVN về phân bón Urê”.
Trên cơ sở các nội dung công việc đã hoàn thành, tác giả và nhóm tham gia đề tài có một số kết luận như sau:
1) Đã rà soát, tổng hợp thành hệ thống các tài liệu và kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để xây dựng tổng quan hoạt động quản lý nhà nước đối với chất lượng phân bón nói chung và quản lý chất lượng đối với phân phân Urê nói riêng;
2) Đã đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng, công tác quản lý chất lượng đối với chất lượng phân bón nói chung và quản lý chất lượng đối với phân phân Urê nói riêng ở Việt Nam;
3) Đề xuất các giải pháp quản lý chất lượng đối với phân Urê; 4) Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân Urê.
Cùng với các kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị sau:
Cần luật hóa quy định về quản lý phân bón phù hợp với tình hình thực tế, thống nhất công tác quản lý hoạt động tiền chất trong cả nước. Thống nhất thủ tục giữa các Bộ, Ngành quản lý nhằm giảm sự chồng chéo, bất cập giữa những cơ quan quan gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động phân bón từ đó quy định cụ thể chức năng của từng cơ quan chức năng trong hoạt động quản lý. Phân cấp quản lý tới các Sở, ngành quản lý chuyên ngành trên địa bàn quản lý của các địa phương hướng tới kiểm soát đến khâu sử dụng cuối cùng vừa tăng cường công tác phối hợp giữa Trung ương với địa phương vừa có thể tận dụng được nguồn nhân lực có chuyên môn, bám sát địa bàn quản lý sẽ tăng cường mạng lưới theo dõi, giám sát trong hoạt động quản lý phân bón, đặc biệt là vấn đề về chất lượng phân bón và tình trạng phân bón giả, kém chất lượng. Thường xuyên tổ chức các hội thảo nhằm phổ biến, cập nhật kịp thời cho các tổ chức, cá nhân liên quan các quy định mới về họat động quản lý chất lượng phân bón để biết và tuân thủ thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu để cung cấp thông tin cụ thể hơn, giúp các nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn với hoạt động quản lý phân bón liên quan, từ đó nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm cũng như đưa ra những chỉ dẫn cần thiết nhằm giảm rủi ro trong hoạt động phân bón, đặc biệt là tác hại của phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14810/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
quan trọng, đảm bảo, vấn đề, an ninh, lương thực, quốc gia, cường quốc, kỹ thuật, thức ăn, sinh trưởng, năng suất, trồng trọt, yếu tố, quyết định, phương thức, thực phẩm, sản phẩm, kinh tế, dinh dưỡng, hiện nay, nam sử