Nhóm nghiên cứu mạnh: Quyết định vị thế của trường đại học
Cập nhật vào: Thứ hai - 04/11/2019 19:44 Cỡ chữ
Việc hình thành các nhóm nghiên cứu nói chung và nhóm nghiên cứu mạnh nói riêng, theo PGS.TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) - là quan trọng và đóng vai trò quyết định sự thành công, vị thế của các trường đại học.
Sinh viên Trường ĐH Phenikaa trong giờ thực hành
Vị thế nhóm nghiên cứu mạnh
Cùng với đào tạo, nghiên cứu khoa học trở thành hoạt động cốt lõi của giáo dục đại học. Chính vì vậy, việc hình thành các nhóm nghiên cứu nói chung và nhóm nghiên cứu mạnh nói riêng rất quan trọng và đóng vai trò quyết định sự thành công, vị thế của các trường đại học.
Đặc biệt, trong bối cảnh, công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, các nghiên cứu liên ngành được thúc đẩy, vai trò của các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành ngày càng trở nên quan trọng. PGS.TS Phạm Thành Huy ví dụ: Các chuyên gia về công nghệ thông tin cần phải làm việc với các chuyên gia về điện tử, y học, khoa học vật liệu, nông nghiệp để có thể nghiên cứu, chế tạo các thiết bị y tế thông minh, nông nghiệp thông minh…
Nhấn mạnh điều này, PGS.TS Phạm Thành Huy cho rằng, minh chứng từ thực tế xây dựng và phát triển các trường đại học đã cho thấy, việc hình thành các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học không chỉ giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu, mà còn tác động tích cực đến hoạt động đào tạo, cả người dạy và người học. Nhóm nghiên cứu mạnh sẽ là hạt nhân, môi trường tốt cho các hoạt động nghiên cứu có định hướng, mục tiêu dài hạn, trong đó sự chia sẻ tri thức và tinh thần sáng tạo sẽ được đề cao.
Nói về việc hình thành, phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, PGS.TS Phạm Thành Huy cho rằng, hoạt động này đã được nhiều trường quan tâm và định hướng phát triển nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu. Quỹ Nafosted cũng có chính sách dành riêng cho các nhóm nghiên cứu mạnh. Điều này cho thấy, các trường đại học tại Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của các nhóm nghiên cứu.
Trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 cũng chú trọng đầu tư các trung tâm nghiên cứu xuất sắc. Điều đó cho thấy, chúng ta đã có chính sách đúng đắn để xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh. Việc rất nhiều nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ từ nước ngoài trở về nước làm việc chính là nguồn nhân lực dồi dào để phát triển các nhóm nghiên cứu.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa cũng cho biết, khó khăn đặt ra là: Để mỗi nhóm nghiên cứu mạnh hoạt động hiệu quả, việc đầu tư trang thiết bị thí nghiệm hiện đại phải tương xứng. Trong bối cảnh các dự án tài trợ phòng thí nghiệm từ ngân sách Nhà nước không đủ đáp ứng cho nhiều nhóm nghiên cứu mạnh thì việc tìm kiếm tài trợ từ các doanh nghiệp khoa học công nghệ lớn là một giải pháp khả thi. Một số mô hình đại học trong doanh nghiệp như FPT, Phenikaa ra đời với đầu tư lớn từ tập đoàn mẹ có thể hình thành nên các phòng thí nghiệm hiện đại cho các nhóm nghiên cứu mạnh đang là một xu hướng mới cần được khuyến khích phát triển.
Ảnh minh họa/ INT
2 vấn đề quan trọng
Để xây dựng một nhóm nghiên cứu mạnh trước tiên yếu tố con người là quan trọng nhất. Đưa ra quan điểm này, PGS.TS Phạm Thành Huy làm rõ thêm: Các nhóm nghiên cứu mạnh cần phải có trưởng nhóm là các nhà khoa học uy tín, có năng lực chuyên môn và khả năng quản lý điều hành. Các thành viên trong nhóm cũng phải suất xắc trong nghiên cứu. Và quan trọng là sự cân bằng trong nhóm, các thành viên phải bổ trợ lẫn nhau để giải quyết một vấn đề lớn, liên quan tới nhiều lĩnh vực. Các nhóm nghiên cứu mạnh cần phải xác định rõ mục tiêu phát triển và vai trò của từng thành viên.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu mạnh cần được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, tương xứng với tiềm lực của nhóm để có thể thực hiện các vấn đề nghiên cứu lớn, liên ngành. “Tôi tin chỉ cần đáp ứng được 2 vấn đề trên, các nhóm nghiên cứu sẽ phát triển mạnh, sẽ xin được các dự án lớn từ Chính phủ hoặc quốc tế để hoạt động khoa học” - PGS.TS Phạm Thành Huy cho hay.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang dự thảo Thông tư quy định hướng dẫn phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học. Theo PGS.TS Phạm Thành Huy, đây là một văn bản có ý nghĩa thể hiện tầm quan trọng của phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong kỷ nguyên 4.0 và mục tiêu hội nhập quốc tế cho các đại học Việt Nam.
Việc triển khai xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh sẽ giúp hình thành nên những tập thể khoa học mạnh, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu lớn, mang tính dài hạn trong các cơ sở giáo dục đại học. Điều này không chỉ giúp nâng cao số lượng các công trình công bố quốc tế, giải pháp hữu ích, mà còn tăng cường khả năng hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đào tạo sau đại học và xếp hạng đại học theo các tiêu chuẩn quốc tế.
“Trong dự thảo Thông tư quy định hướng dẫn phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học, các nhóm nghiên cứu mạnh sẽ nhận được nhiều ưu tiên như: Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, các đề tài dự án… Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn nhất đó là tiêu chuẩn của trưởng và thành viên nhóm nghiên cứu mạnh và việc cụ thể hóa các “ưu tiên” này rõ ràng hơn để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện. Nên có định hướng cho việc phát triển một số nhóm mạnh, có tính chiến lược phù hợp với các định hướng ưu tiên trong chính sách phát triển khoa học công nghệ của Bộ và của Nhà nước” - PGS.TS Phạm Thành Huy nêu quan điểm.
GD&TĐ
nghiên cứu, huy hiệu, hà nội, quan trọng, vai trò, quyết định, thành công