Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm mùa ở quy mô công nghiệp
Cập nhật vào: Thứ tư - 06/11/2019 20:17 Cỡ chữ
Trong bối cảnh bệnh cúm ngày càng diễn biến phức tạp và lan rộng trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1950/QĐ-BYT ngày 06/8/2013 về việc phê duyệt “Kế hoạch phát triển và sử dụng vắc xin cúm, giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn 2030” xác định việc sử dụng vắc xin là biện pháp hữu hiệu và cấp thiết đem lại hiệu quả cao trong việc dự phòng tích cực và chủ động bệnh cúm. Những lợi ích, hiệu quả đầu tư kinh tế, phát triển và bảo vệ sức khỏe giống nòi là căn cứ để xây dựng kế hoạch nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vắc xin cúm phục vụ công tác phòng chống dịch. Đồng thời định hướng ưu tiên triển khai sản xuất vắc xin cúm trong trường hợp xảy ra đại dịch, khuyến khích tăng cường nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển sản xuất vắc xin cúm mùa, phát triển năng lực kiểm định chất lượng và thử nghiệm lâm sàng vắc xin cúm, tiến tới đăng ký sản phẩm vắc xin cúm mùa.
Thực hiện chủ trương của nhà nước và của ngành, IVAC đã chủ động tiếp cận công nghệ, tranh thủ các nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm, hướng đến tự chủ sản xuất vắc xin cúm trong nước. Đây là định hướng mang tính chủ động nhằm đảm bảo tính sẵn sàng để ứng phó với nguy cơ đại dịch cúm đồng thời tạo ra sản phẩm có tính thương mại để đa dạng hóa dòng sản phẩm, phát triển công nghệ và định hướng phát triển bền vững.
Năm 2007, Sau những thành công trong nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm ở quy mô phòng thí nghiệm, Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã được Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) hỗ trợ kinh phí và công nghệ để xây dựng một dây chuyền sản xuất vắc xin cúm hiện đại theo công nghệ trên trứng gà có phôi, với quy mô 1,5 - 3,0 triệu liều/năm, làm công nghệ nền để sẵn sàng áp dụng sản 2 xuất nhanh khi có các biến thể vi rút cúm mới xuất hiện. Năm 2010, IVAC đã thiết lập được quy trình lõi sản xuất vắc xin cúm trên trứng gà có phôi và sản xuất thành công các vắc xin cúm toàn hạt vi rút dự phòng cho đại dịch như vắc xin cúm A/H1N1, A/H7N9 và A/H5N1trên dây chuyền này. Đây là bước phát triển quan trọng hướng tới nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm mùa.
Từ những thành công ban đầu tạo ra vắc xin cúm đại dịch dạng toàn hạt vi rút bất hoạt bất hoạt bằng formalin theo công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi ở quy mô công nghiệp, IVAC tiếp tục nghiên cứu phát triển vắc xin cúm mùa dạng mảnh, đa giá với phương pháp phá vỡ cấu trúc hạt vi rút bằng triton-X100, sau đó dùng các kỹ thuật tinh chế, hấp phụ để thu được kháng nguyên đơn chủng. Năm 2014, IVAC đã nghiên cứu thành công vắc xin cúm mùa 3 chủng dạng mảnh ở quy mô thí nghiệm làm tiền đề cho việc phát triển lên quy mô lớn.
Trên cơ sở đó, ThS. Dương Hữu Thái, Phó Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) cùng các đồng nghiệp đã xây dựng dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm mùa ở quy mô công nghiệp” với các mục tiêu nhằm sản xuất vắc xin cúm mùa đa giá trị (3 hoặc 4 chủng tùy theo khuyến cáo hàng năm của WHO), dạng mảnh ở quy mô công nghiệp, công suất 1.000.000 liều/năm đạt tiêu chuẩn chất lượng của WHO sử dụng cho người.
Từ kết quả nghiên cứu của dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm mùa ở quy mô công nghiệp", nhóm chuyên gia đã rút ra được một số kết luận sau:
1. Hoàn thiện quy trình tạo chủng sản xuất vắc xin cúm mùa từ chủng gốc, sản xuất 50 ống chủng mỗi loại đạt tiêu chuẩn chất lượng dùng cho sản xuất.
Đã xây dựng được quy trình tạo các chủng sản xuất (WSL) vắc xin cúm mùa từ chủng gốc do NIBSC cung cấp, được TCYTTG khuyến cáo theo mùa dịch hàng năm ở khu vực bắc bán cầu. Quy trình sản xuất chủng WSL được thực hiện bằng cách cấy chuyền nhiều đời trên trứng gà SPF có phôi, các giai đoạn của quy trình bao gồm: liều gây nhiễm chủng là 0,2 ml, nuôi cấy chủng ở 35 độ C đến 36 độ C trong vòng 48 giờ - 72 giờ, thu dịch và phân ống 1ml sau đó bảo quản ở -70 độ C đến -80 độ C. Quy trình sản xuất chủng được thiết lập phù hợp với khuyến cáo của nhà cung cấp đối với chủng sản xuất vắc xin cúm mùa.
Đã xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng cơ sở cho chủng sản xuất vắc xin cúm mùa gồm 6 tiêu chí được thiết lập cho cho từng chủng cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B làm cơ sở cho việc cập nhật chủng sản xuất cúm mùa hàng năm. Tiêu chuẩn chất lượng chủng xây dựng dựa trên khuyến cáo của TCYTTG trong WHO-TRS 927, 2005 và DĐVN IV, tập bổ sung 2015.
Đã cập nhật và sản xuất được 6 lô chủng WSL vắc xin cúm mùa được khuyến cáo cho khu vực bắc bán cầu đạt tiêu chuẩn chất lượng dùng trong sản xuất. Các lô chủng WSL được đánh giá chất lượng tại NICVB và đạt các tiêu chuẩn chất lượng đã được thiết lập, đủ số lượng sử dụng trong nghiên cứu.
2. Hoàn thiện qui trình sản xuất vắc xin cúm mùa đa giá trị (3 thành phần) dạng mảnh bằng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi, số lượng sản phẩm 180.000 đến 280.000 liều đạt tiêu chuẩn chất lượng TCYTTG.
Thiết lập được quy trình sản xuất vắc xin cúm mùa dạng mảnh gồm 10 giai đoạn chính. Các thông số kỹ thuật chủ yếu được thiết lập riêng cho từng chủng trên cơ sở quy trình lõi sản xuất vắc xin cúm theo công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Phát triển được công nghệ sản xuất từ quy mô phòng thí nghiệm lên quy mô 100% công suất thiết kế đạt tiêu chuẩn khuyến cáo của TCYTTG và DĐVN.
Xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng cơ sở cho vắc xin cúm mùa đơn chủng dạng mảnh gồm 11 chỉ tiêu. Xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng cho vắc xin cúm mùa thành phẩm gồm 10 chỉ tiêu theo khuyến cáo của TCYTTG trong WHO-TRS 927(2005) và của Việt Nam quy định trong DĐVN IV (2009 và tập bổ sung 2015).
Đã sản xuất các vắc xin cúm mùa đơn chủng dạng mảnh sử dụng chủng cúm mùa 2014-2015, 2016-2017 và 2017-2018 với tổng số tương ứng 180.000 liều vắc xin IVACFLU-S dưới dạng nước cốt đơn chủng dạng mảnh và 45.000 141 liều vắc xin cúm mùa thành phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng dùng trong các nghiên cứu tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng và đăng ký lưu hành Kết quả kiểm định chất lượng và nghiên cứu tiền lâm sàng trên các mô hình động vật thí nghiệm cho thấy vắc xin cúm IVACFLU- S do IVAC sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng theo khuyến cáo của TCYTTG trong WHO-TRS 927(2005) và của Việt Nam quy định trong DĐVN IV (2009 và 2015).
Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy vắc xin đạt yêu cầu về an toàn, dung nạp tốt theo đường tiêm bắp và tạo được đáp ứng miễn dịch tốt trên động vật thí nghiệm phù hợp với khuyến cáo của TCYTTG và quy định của Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15118/2018) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
P.K.L (NASATI)