Chính sách mới trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Inđônêxia
Cập nhật vào: Thứ năm - 16/05/2019 00:52
Cỡ chữ
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế thế giới, Inđônêxia đã duy trì tăng trưởng GDP ở mức tương đối cao, trung bình 5,9% trong giai đoạn 2009 - 2013. Chính phủ nước này thừa nhận tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo (ĐMST) đối với việc duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Những điểm chính trong hệ thống KHCN&ĐM của Inđônêxia
Các trường đại học và vện nghiên cứu công: Phần lớn hoạt động NC&PT ở Inđônêxia do các viện nghiên cứu công thực hiện, đặc biệt là các viện nghiên cứu của Chính phủ. Tuy nhiên, theo các tiêu chuẩn quốc tế, cường độ đầu tư công cho NC&PT rất thấp. Mục tiêu chính sách cơ bản là đảm bảo các kết quả nghiên cứu công sẽ đáp ứng yêu cầu của chương trình nghị sự phát triển và ĐMST quốc gia. Điều này đỏi hỏi phải khắc phục mối quan hệ hợp tác chưa chặt chẽ giữa nghiên cứu với ngành công nghiệp bằng cách tăng phần kinh phí của Chính phủ cấp cho hợp tác nghiên cứu. Trong các lĩnh vực như quốc phòng và y tế, giải pháp này đã thúc đẩy hợp tác nghiên cứu hiệu quả.
Chuyển giao và thương mại hóa công nghệ: Trọng tâm chính sách gần đây chuyển hướng sang sự đóng góp của nghiên cứu công cho hệ thống ĐMST quốc gia. Ngành công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, được khuyến khích tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các viện nghiên cứu công và trường đại học hàng đầu của các quốc gia khác. Inđônêxia cũng đang đầu tư nâng cao chất lượng của hệ thống SHTT quốc gia và thực hiện các kế hoạch khuyến khích các nhà nghiên cứu đăng ký sáng chế. Luật năm 2002 quy định về việc thành lập các văn phòng chuyển giao công nghệ trong khu vực nghiên cứu công ở Inđônêxia. Tuy nhiên, đánh giá năm 2010 - 2011 cho thấy thậm chí nơi các văn phòng này được thành lập, có ít văn phòng tích cực hỗ trợ nỗ lực thương mại hóa. Hạn chế lớn về hợp tác giữa viện nghiên cứu và ngành công nghiệp là thực tế tất cả doanh thu từ các dự án được cấp kinh phí công, phải nộp lại cho Bộ Tài chính; do đó, các nhà nghiên cứu không có khuyến khích tài chính để thương mại hóa các sản phẩm dựa vào kết quả nghiên cứu của họ. Các quy định liên quan đến ngân sách nghiên cứu cũng tạo thêm trở ngại nữa: kinh phí dự án được cấp trong thời gian ngắn và sau thời gian đó phải trả lại cho cơ quan cấp kinh phí, do đó, việc kinh phí không bao quát cho toàn bộ vòng đời phát triển sản phẩm.
ĐMST trong doanh nghiệp: Doanh nghiệp vẫn đóng vai trò khiêm tốn trong hệ thống NC&PT và cường độ BERD ước tính chỉ ở mức 0,01% GDP năm 2008. Trước đây, chính sách hỗ trợ NC&PT và ĐMST chủ yếu đồng nghĩa với sự hỗ trợ tài chính thông qua quỹ nghiên cứu, khấu trừ thuế và các công cụ liên quan. Để khuyến khích các hoạt động ĐMST, Inđônêxia hiện đang chú trọng nhiều hơn đến việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ĐMST trong các doanh nhân và doanh nghiệp. Với một nền kinh tế phi chính thức sử dụng hơn 68% lực lượng lao động, việc xác định các cơ hội cho phân khúc lớn này của nền kinh tế trở thành một phần của hệ thống ĐMST quốc gia là rất quan trọng. Việc tìm kiếm các cơ hội phát triển năng lực ĐMST liên quan đến cung cấp tài nguyên thiên nhiên dồi dào của quốc gia cũng cần thiết nếu Inđônêxia muốn đạt được mục tiêu cường độ NC&PT ở mức 1% GDP năm 2014, như đã đề cập trong Kế hoạch phát triển trung hạn quốc gia lần thứ 2 (2010 - 2014) của Tầm nhìn và Sứ mệnh trong Tuyên bố KH&CN của Inđônêxia giai đoạn 2005 - 2025.
Kỹ năng ĐMST: Kế hoạch phát triển trung hạn quốc gia lần thứ 2 (2010 - 2014) đưa các kỹ cơ bản thành ưu tiên chính. Mặc dù chi tiêu giáo dục đã tăng mạnh trong 2 thập kỷ qua, nhưng phần chi cho giáo dục bậc cao so với GDP vẫn rất thấp theo tiêu chuẩn của OECD và thành tích khoa học yếu của học sinh lứa tuổi 15 cho thấy điểm bất cập trong chất lượng và cấu trúc của hệ thống giáo dục. Mở rộng giáo dục đào tạo kỹ thuật và dạy nghề là một ưu tiên và Chiến lược Giáo dục quốc gia đã được thông qua để giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và cải thiện công tác quản lý và trách nhiệm giải trình của các trường học.
NASATI (Theo OECD)
khủng hoảng, tài chính, toàn cầu, suy thoái, kinh tế, thế giới, duy trì, tương đối, trung bình, giai đoạn