Đức tăng gấp đôi ngân sách cho nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo
Cập nhật vào: Thứ năm - 05/12/2019 16:22
Cỡ chữ
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức, Anja Karliczek, mới đây đã công bố sẽ tăng gấp đôi tài trợ cho nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI), từ 64 đến 128 triệu EUR từ nay đến năm 2022. Quyết định được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức đưa ra do cạnh tranh quốc tế gia tăng và mong muốn duy trì vị thế của Đức như một nước mạnh về nghiên cứu AI.
Trong cuộc họp báo này, Bộ trưởng Anja Karliczek cũng nhấn mạnh các liên kết phải được tăng cường giữa các lĩnh vực chính trị, khoa học và kinh tế để cho phép phát triển AI. Bà Anja Karliczek nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức và Bộ Kinh tế nước này trong việc thiết lập chiến lược của Đức về trí tuệ nhân tạo cũng như sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức cho dự án điện toán đám mây có chủ quyền GAIA-X hiện đang được Bộ Kinh tế nước này sử dụng.
Việc tăng tài trợ ban đầu sẽ có lợi cho các trung tâm nghiên cứu AI ở Berlin, Dortmund, Bon, Dresden, Munich và Tübingen cũng như Trung tâm nghiên cứu AI Đức (DFKI).
Chính phủ CHLB Đức đã công bố Chiến lược Quốc gia AI tháng 12/2018. Chiến lược còn được nhắc đến là “AI được sản xuất tại Đức”, nhằm mục đích tăng cường tài trợ cho AI, mở rộng nhóm dữ liệu và thúc đẩy nghiên cứu AI. Đi kèm với đó là các mục tiêu khác bao gồm dự đoán sự phát triển của AI tác động đến thị trường lao động và thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức để truy cập dữ liệu. Chiến lược AI đầy tham vọng của Đức không chỉ bao gồm các yếu tố chính như chiến lược AI của Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà còn tiến thêm một bước để kêu gọi thiết lập tiêu chuẩn kỹ thuật và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, Đức cũng tập trung xây dựng và phát triển một hệ sinh thái AI sôi động được thúc đẩy bởi một lượng lớn đầu tư mạo hiểm hoặc đại gia công nghệ, các nhà hoạch định chính sách của Đức đang tìm kiếm sự can thiệp chính sách hiệu quả của chính phủ để kích thích tăng trưởng AI.
Chính phủ Đức muốn tăng cường và mở rộng nghiên cứu của Đức và châu Âu về AI và tập trung vào việc chuyển giao kết quả nghiên cứu cho khu vực tư nhân và tạo ra các ứng dụng AI. Các sáng kiến được đề xuất để đạt được điều này bao gồm các trung tâm nghiên cứu mới, hợp tác nghiên cứu và phát triển Pháp-Đức, tài trợ cụm khu vực và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp. Kế hoạch đề xuất khá toàn diện và cũng bao gồm các biện pháp thu hút nhân tài quốc tế, ứng phó với tính chất thay đổi của công việc, tích hợp AI vào các dịch vụ của chính phủ, làm cho dữ liệu công khai dễ tiếp cận hơn và thúc đẩy sự phát triển của AI minh bạch và đạo đức. Nhìn chung, chính phủ muốn AI được sản xuất tại Đức, trở thành một nơi sản xuất chất lượng được công nhận trên toàn cầu.
Ngoài chiến lược trên, Đức đã có một số chính sách liên quan để phát triển AI. Về cơ bản, chính phủ, hợp tác với các học giả và các tác nhân trong ngành, tập trung vào việc tích hợp các công nghệ AI vào các lĩnh vực xuất khẩu của Đức. Chương trình hàng đầu là Công nghiệp 4.0. Trung tâm nghiên cứu AI của Đức (DFKI) là một tác nhân chính trong việc theo đuổi này và cung cấp kinh phí cho nghiên cứu AI định hướng ứng dụng. Các tổ chức có liên quan khác bao gồm Quỹ Alexander von Humboldt, thúc đẩy hợp tác học thuật và thu hút tài năng khoa học làm việc ở Đức, và Plattform Lernende Systeme, tập hợp các chuyên gia từ khoa học, công nghiệp, chính trị và các tổ chức dân sự để phát triển các khuyến nghị thiết thực cho chính phủ. Chính phủ cũng đã công bố một ủy ban mới để điều tra làm thế nào AI sẽ ảnh hưởng đến xã hội và được giao nhiệm vụ xây dựng một báo cáo với các khuyến nghị trong năm 2020.
P.A.T (NASATI), theo diplomatie.gouv.fr
quyết định, giáo dục, nghiên cứu, cạnh tranh, quốc tế, gia tăng, duy trì